Cánh cửa cho thỏa thuận thương mại Anh – EU hậu Brexit ngày càng thu hẹp
VOV.VN - Cơ hội để đạt được thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu thời kỳ hậu Brexit đang khép lại từng ngày.
Đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đưa ra ngày hôm qua (16/9), trong bối cảnh Anh đơn phương thay đổi thỏa thuận “ly hôn” liên quan đến vấn đề Bắc Ireland mà 2 bên đã đạt được trước đó sau 3 năm đàm phán khó khăn.
Trong diễn văn thường niên về chính sách quan trọng tại Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen nhận định, mỗi ngày trôi qua khiến cơ hội để đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Anh lại giảm đi, đồng thời cảnh báo Anh rằng chỉ còn “rất ít thời gian” để đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay.
Bà Leyen nhấn mạnh, cả EU và Anh đã đàm phán và phê chuẩn thỏa thuận “ly hôn” của hai bên, do đó London không thể được đơn phương thay đổi, coi thường hoặc không áp dụng.
“Thỏa thuận ly hôn giữa Anh và EU đã mất 3 năm để đàm phán. Chúng tôi đã làm việc không ngừng vì thỏa thuận này. Từng dòng, từng chữ trong thỏa thuận 2 bên đã nhất trí được với nhau. Kết quả đạt được đảm bảo quyền công dân của chúng tôi, tài chính, lợi ích, tính toàn vẹn của thị trường duy nhất của chúng tôi và quan trọng là Hiệp ước “Thứ Sáu Tốt lành”.
Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh cùng đồng ý rằng đây là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo hòa bình trên đảo Ireland. Thỏa thuận “ly hôn” đã được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu và Hạ viện Anh. Anh không thể đơn phương thay đổi, bỏ qua hoặc chối bỏ. Đây là vấn đề của pháp luật, sự tin tưởng và thiện chí”.
Mâu thuẫn mới phát sinh liên quan chủ yếu tới vùng Bắc Ireland thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU. Theo Hiệp ước “Thứ Sáu tốt lành” giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở vùng đất này, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để đảm bảo điều này, thỏa thuận Brexit đã nêu rõ một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng Bắc Ireland sau khi Anh rời khỏi khối.
Tuy nhiên, Dự luật Thị trường nội địa mới của Chính phủ Anh, được hạ viện nước này tán thành vào ngày 14/9 vừa qua, phản ánh mong muốn của London có quyền hạn bỏ qua những điều khoản này.
Dù động thái mới của Anh sẽ vi phạm thỏa thuận ly hôn giữa 2 bên, song Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua (16/9) vẫn cáo buộc Liên minh châu Âu đang đàm phán không trên tinh thần thiện chí. Trước đó 1 ngày, ông còn cho rằng EU đang “chĩa súng” vào Anh để gây sức ép trong các cuộc đàm phán thương mại. Thủ tướng Anh khẳng định, dự luật Thị trường nội địa mới được chính phủ Anh đưa ra nhằm chống lại các mối đe dọa đến sự thống nhất của Vương quốc này.
“Tất nhiên, dự luật là nhằm duy trì sự toàn vẹn về kinh tế, chính trị, lãnh thổ của Vương quốc Anh và tôi tin rằng nó cần được mọi thành viên Hạ viện Anh ủng hộ”, Thủ tướng Anh khẳng định.
Dự luật này sẽ tiếp tục được đem ra để các nghị sĩ Anh thảo luận chi tiết trong khoảng thời gian 4 ngày, dự kiến trong tuần này và tuần tới.
Trong 1 diễn biến có liên quan, hôm qua (16/9), trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Anh Dominic Raab đang ở thăm Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ tin tưởng rằng Anh sẽ đạt được “một kết quả tốt” trong giải quyết bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) về các điều khoản của việc nước này rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
Anh đã chính thức rời EU từ ngày 31/1, chỉ ít ngày sau khi hai bên ký kết thỏa thuận quy định các điều kiện “chia tay”. Trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến 31/12, Anh vẫn tiếp tục áp dụng các quy định của EU đồng thời tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Vòng đàm phán thứ 8 đã diễn ra từ ngày 8-10/9 nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào. Những diễn biến mới nhất có thể làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận thương mại, dẫn đến việc hai bên áp đặt thuế quan lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến giao thương./.