Cảnh sát Pháp biểu tình trước tình trạng bất ổn
VOV.VN - Hàng trăm cảnh sát biểu tình cả ngày lẫn đêm ở thủ đô Paris và nhiều thành phố ngoại ô để phản đối tình trạng mất an ninh ngày càng nặng nề.
Hai ngày nay, hàng trăm cảnh sát đã biểu tình cả ngày lẫn đêm trên Đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris và tại nhiều thành phố ngoại ô để phản đối tình trạng mất an ninh ngày càng nặng nề khiến nhiệm vụ trở nên “quá sức” với lực lượng cảnh sát.
Hôm qua 19/10, Bộ trưởng nội vụ Pháp đã phải có cuộc họp khẩn cấp với đại diện hai nghiệp đoàn cảnh sát trong vòng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Tại cuộc họp, ông Cazeneuve tuyên bố chính phủ quyết tâm theo đuổi công lý mỗi khi xảy ra một vụ tấn công nhằm vào cảnh sát nhưng cũng khẳng định hành động của lực lượng cảnh sát phải đúng với quy định và kỷ cương của nghề nghiệp này.
Cảnh sát Pháp biểu tình để phản đối hình ảnh mất an ninh ngày càng nặng nề. (Ảnh minh họa).
Đáp lại, lãnh đạo các nghiệp đoàn cảnh sát khẳng định đúng là có những quy định phải được tôn trọng, nhưng họ không thể bình tĩnh sau vụ tấn công kiểu như vụ ném bom xăng vào cảnh sát ở Viry-Chatillon mới đây làm 4 cảnh sát bị thương.
Cũng theo các nghiệp đoàn cảnh sát, họ sẽ không chấp nhận các hình phạt vì đã tiến hành biểu tình. Các nghiệp đoàn cảnh sát như Alliance, Unsa-Police et Synergie đã kêu gọi tiến hành một cuộc tuần hành “thầm lặng” vào ngày 26/10 tới.
24 giờ sau cuộc biểu tình bất ngờ trên Đại lộ Champs-Elysees, tại Paris, khoảng 400 cảnh sát đã tổ chức biểu tình trong đêm thứ ba (18/10) đến sáng thứ tư tại thành phố Evry và tại thành phố Essonne- nơi mới xảy ra vụ tấn công cảnh sát bằng bom xăng - để phản đối tình trạng an ninh nghiêm trọng hiện nay.
Khoảng 60 người khác đã tụ họp trước bệnh viện Saint Louis ở Paris – nơi một cảnh sát, nạn nhân của vụ tấn công bằng bom xăng ở Essonne đang điều trị ; vụ việc đã làm bùng lên sự giận dữ của cảnh sát Pháp. Và tại Marseille- một trong những nơi bất ổn nặng nề do các băng nhóm hoành hành, khoảng 100 cảnh sát đã xuống đường biểu tình trên những chiếc xe công vụ.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls thì một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của chính phủ đối với lực lượng cảnh sát, sau vụ tấn công bằng bom xăng vào các xe cảnh sát ở Viry-Châtillon, thành phố Essonne. Thủ tướng Valls cũng nhấn mạnh sẽ theo đuổi đến cùng những kẻ tấn công vào các trường học, giáo viên và lực lượng an ninh sau một loạt các vụ việc gần đây. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố ủng hộ các lực lượng an ninh và kêu gọi “đối thoại”.
Thực tế không có gì bàn cãi về nhiệm vụ nặng nề, quá tải đối với lực lượng cảnh sát Pháp thời gian qua khi an ninh tại Pháp bị đe dọa nghiêm trọng và tình trạng khẩn cấp liên tục được kéo dài. Lực lượng cảnh sát phải đối mặt hàng đầu với nguy cơ khủng bố; thêm vào đó là làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối luật lao động khiến cảnh sát lại trở thành “đối tượng bị căm ghét” của người biểu tình…
Thậm chí nhiều cảnh sát còn nhận được những bức thư điện tử đe dọa với những khẩu hiệu thù địch như “Tất cả mọi người đều ghét cảnh sát” hay “Một cảnh sát, một viên đạn”…
Trong tình cảnh quá mệt mỏi, vụ tấn công bằng bom xăng hôm 8/10 tại Viry-Châtillon là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy sự giận dữ của lực lượng cảnh sát lên đỉnh điểm. Đây không phải vụ tấn công đầu tiên nhằm trực tiếp vào lực lượng cảnh sát, trước đó, nước Pháp từng chấn động với vụ một viên cảnh sát và vợ bị giết hại tại nhà.
Tính chất nghiêm trọng của các vụ việc cho thấy bọn tội phạm tấn công cảnh sát ngày càng mạnh và có thể tiến hành các hoạt động đe dọa đến tính mạng của nhiều cảnh sát. Bọn chúng hoạt động ngày càng táo tợn với vũ khí và áo chống đạn.
Lực lượng cảnh sát Pháp cũng đòi hỏi có những quyền hạn lớn hơn để giúp họ có thể trấn áp được bọn tội phạm và bảo vệ chính mình. Tổng thư ký nghiệp đoàn cảnh sát SGP-Police FO Didier Martinez chỉ trích: “Cảnh sát làm đúng phận sự, bắt giữ bọn tội phạm nhưng hệ thống tư pháp lại chưa vận hành đúng”.
Hay Cédric Delaye, thuộc nghiệp đoàn cảnh sát Unsa dẫn chứng: “đối diện với một chiếc ô tô chắn ngang đường, lực lượng hiến binh được phép rút vũ khí trước, chúng tôi chỉ được hành động sau đó”.
Trước thái độ của lực lượng cảnh sát cùng với thực trạng an ninh ngày càng nguy hiểm, chính phủ Pháp sẽ phải tìm những giải pháp hiệu quả hơn, có thể sẽ là những biện pháp như tăng quân số cho lực lượng cảnh sát và sửa đổi luật trao thêm quyền hạn và bảo đảm an toàn cho chính các nhân viên an ninh. Việc chính phủ Pháp mới cho thành lập lực lượng “Vệ binh quốc gia” cũng là một biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho cảnh sát./.