Cảnh sát Sydney buộc phải nổ súng trước khi kẻ bắt cóc giết con tin
VOV.VN - Andrew Scipione, Ủy viên trưởng cảnh sát bang New South Wales trả lời Reuters: “Ở thời điểm đó nếu không đột kích, sẽ có thêm nhiều người bị giết".
Trước đó, hàng trăm đặc nhiệm và nhiều tay súng cảnh sát đã được bố trí xung quanh quán cà phê Lindt, đồng thời phong tỏa các khu vực xung quanh trong khi các chuyên gia đàm phán nói chuyện với kẻ bắt cóc.
Ngoài ra 2 con tin khác thiệt mạng là 1 người đàn ông 34 tuổi và 1 phụ nữ 38 tuổi. Người đàn ông là quản lý quán cà phê, còn phụ nữ là luật sư. 6 người khác bị thương, trong đó có một sĩ quan cảnh sát bị thương ở đầu..
Tay súng này cũng đe dọa là đã cài bom khắp thành phố và chỉ chịu đàm phán với cảnh sát khi màn đêm buông xuống. Sau nhiều giờ đàm phán không thành, cảnh sát Austraylia đã buộc phải nổ súng tấm công vào tòa nhà để giải cứu con tin.
Một nhân chứng kể với Reuters:” Con tin chạy ra ngoài khi những phát súng đầu tiên được bắn, có khoảng 5 người tay giơ lên, chạy ra ngoài. Rồi nhóm tiếp theo có 5 người khác chạy ra. Lực lượng rà soát bom vào nhưng dường như không tìm thấy gì”.
Theo Ủy viên trưởng cảnh sát bang Scipione: “Vụ giải cứu kết thúc, nhưng tiếp theo sẽ là một cuộc điều tra về những cái chết của con tin”.
“Với người dân Sydney, đây là một vụ tai nạn ngoài ý muốn. Không nên để vụ việc này ảnh hưởng đến lòng tin của người nước ngoài đến học tập, làm việc hay du lịch tại đây”, ông Scipione nói.
Chưa phát hiện kẻ bắt cóc có liên quan tới các nhóm khủng bố
Monis được phát hiện có tiền án năm 2012 sau những hành động chống đối Chính phủ Australia gửi quân tới Afghanistan, tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động. Hắn cũng bị dính líu tới hơn 40 cáo buộc tấn công tình dục
“Kẻ bắt cóc có tiền sự phạm tội, đam mê chủ nghĩa cực đoan và tâm thần”. Thủ tướng Abbott trả lời báo chí Canberra. “Khi vụ bắt cóc xảy ra, y đã tìm cách để che đậy những hành động của mình bằng sự tôn sùng IS”.
Cơ quan an ninh Australia nói rằng nước này đã nhờ Mỹ điều tra xem có dấu hiệu liên quan giữa kẻ bắt cóc với các tổ chức khủng bố hay không. Tuy nhiên câu trả lời hiện nay là chưa phát hiện ra.
Mặc dù các con tin đã được giải cứu song chuyên gia an ninh Australia vẫn nói rằng việc ngăn ngừa các vụ tấn công từ những kẻ bắt cóc đơn lẻ kiểu này không hề đơn giản.
Jens David Ohlin, giáo sư Luật, đại học Cornell nói rằng : “Chúng ta đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố kiểu mới, nguy hiểm hơn và khó đánh bại hơn cả al-Qaeda trước đây”.
Australia, là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố trước đây và hiện nay là việc chống lại Tổ chức khủng bố IS ở Syria và Iraq, cuộc chiến này đang ở mức báo động cao và rất nguy hiểm khi các vụ khủng bố hiện không chỉ xảy ra ở Trung Đông mà giờ IS còn tài trợ cho các vụ khủng bố ở chính các quốc gia có liên quan tới cuộc chiến.
Hồi tháng 9, cảnh sát chống khủng bố Melbourne nhận được lời đe dọa, một ngày sau đó, 2 cảnh sát của lực lượng này bị 1 thanh viên tấn công bằng dao. Kẻ tấn công đã bị tiêu diệt.
Sau vụ bắt cóc ở quán cà phê ngày 15/12, lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi người theo đạo cần bình tĩnh. Hội đồng Giáo sĩ quốc gia Australia cũng lên án vụ bắt cóc và ra tuyên bố sẽ ủng hộ Chính phủ Australia đối phó với làn sóng cực đoan./.