“Cha đẻ” INF lên tiếng về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước với Nga
VOV.VN - Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev kêu gọi Mỹ đối thoại với Nga về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để tránh gây bất ổn an ninh toàn cầu.
“Tôi lấy làm tiếc về tình hình khó khăn nội bộ ở Mỹ những năm gần đây đã dẫn đến sự ngắt quãng trong đối thoại giữa Nga và Mỹ về tất cả các chủ đề, trong đó có cả vũ khí hạt nhân. Đã đến lúc gạt bỏ những bất đồng giữa các chính đảng của Mỹ và bắt đầu đối thoại nghiêm túc. Tôi chắc chắn, Nga cũng sẵn sàng đối thoại với Mỹ”, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nói trong một bài báo trên Vedomosti.
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: Sputnik
Ông Gorrbachev cho rằng, Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để “loại bỏ tất cả những hạn chế trong lĩnh vực vũ khí và giành lại ưu thế quân sự trên toàn cầu”.
“Những diễn biến tiêu cực hiện nay có thể dẫn đến sự bất ổn chiến lược và chính trị trên toàn cầu, cũng như một cuộc chạy đua vũ trang mới. An ninh của tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ, sẽ bị thách thức”.
Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước INF (cấm các tên lửa tầm trung, có tầm bắn 500-5.000km). Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc và nhấn mạnh loại tên lửa này không vi phạm hiệp ước, vì chỉ có tầm bắn 480km. Nga cũng nhấn mạnh hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Âu được trang bị các bệ phóng có khả năng phóng tên lửa hành trình với tầm bắn vi phạm Hiệp ước INF.
Trước đó, đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ đã dừng các nghĩa vụ của hiệp ước INF và ra thời hạn 6 tháng để rút khỏi hiệp ước này nếu Nga không tuân thủ các điều khoản. Tổng thống Nga Putin sau đó cũng tuyên bố Nga dừng thực thi INF để đáp trả động thái của Mỹ.
Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô (nay là Nga), theo đó cấm tất cả các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.000km. Khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết hiệp ước này tại Washington DC, Mỹ và Liên Xô là 2 nước duy nhất có công nghệ hạt nhân tầm trung.
Ngày nay, nhiều nước khác được cho là cũng phát triển công nghệ tương tự nhưng không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF. Đây là yếu tố gây phức tạp cho các cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí mới./.