Chấn hưng kinh tế- Chiến lược để Putin giữ chân cử tri Nga
VOV.VN - Tỷ lệ thuận với sự “nóng mắt” của phương Tây nhằm vào Tổng thống Nga Putin, sự ủng hộ của người dân Nga với ông lại đang lớn hơn bao giờ hết.
Với vị thế hiện nay trên chính trường quốc tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như “không thể đánh bại”, nhưng tại quê nhà thách thức lớn nhất của ông vẫn là duy trì được tín nhiệm với các cử tri.
Tổng thống Putin với thách thức lớn nhất là giữ niềm tin của cử tri Nga. Ảnh: Reuters |
Dù không được lòng các nước phương Tây, song không vì thế mà Tổng thống Putin bị quay lưng. Sự tín nhiệm và ủng hộ ông trong lòng người dân Nga đang lớn hơn bao giờ hết. Chính điều này cũng đặt ra thách thức lớn cho ông chủ Điện Kremlin là làm sao giữ được lòng người dân Nga, biến những cam kết vì người dân thành hiện thực.
Dấu mốc Crimea
Năm 2014, khi Bán đảo Crimea trưng cầu ý dân sáp nhập vào Liên bang Nga, phương Tây đã không ngừng lên án và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất với Moscow.
Những tưởng Tổng thống Putin lúc đó sẽ điêu đứng, nhưng thực tế tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho ông đã tăng lên mức mà hiếm có Tổng thống nào có được. Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Levada-một cơ quan thăm dò dư luận độc lập tiến hành cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Putin đã tăng vọt từ mức 69% trong tháng 2/2014 lên 80% chỉ một tháng sau đó. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin tiếp tục duy trì ở mức trên dưới 80%, điều mà chỉ có ít Tổng thống Nga làm được.
Moscow thời điểm đó bị bao vây giữa các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác. Song người dân lại càng yêu mến và tín nhiệm nhà lãnh đạo của mình hơn.
Với họ, nước Nga đã có một Tổng thống mạnh mẽ đưa đất nước giành lại vị thế trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Video Tổng thống Putin lái xe thông cây cầu bắc qua Eo biển Kerch nối đất liền Nga với Bán đảo Crimea. Nguồn: RT
Chiến lược kinh tế mang tính quyết định
Đồng ruble mất giá, nền kinh tế Nga bị tổn thương nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi khi bị bủa vây giữa những biện pháp trừng phạt và giá dầu thế giới lao dốc. Trong những năm chống chọi với sóng gió kinh tế vừa qua, người dân Nga vẫn hăng hái sát cánh cùng Tổng thống Putin.
Tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4, với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, là minh chứng rõ ràng hơn hết về sự ủng hộ của người Nga với nhà lãnh đạo của mình. Đáp lại ủng hộ của các cử tri, đây là lúc ông Putin thực hiện những cam kết lớn lao đưa ra trước thềm bầu cử, vốn cũng là những thách thức lớn với ông chủ Điện Kremlin.
Đọc Thông điệp Liên bang 2018 trước Quốc hội ngày 1/3, ông Putin đã cam kết giảm một nửa tỷ lệ nghèo tại Nga đang ở mức 20 triệu người trong tổng số 140 triệu số dân nước này. Với kế hoạch tăng trưởng thu nhập dài hạn, Tổng thống Putin cam kết tạo ra những công việc hiện đại với thu nhập cao. Cam kết hàng đầu của ông chủ Điện Kremlin còn là cải thiện cơ sở hạ tầng các bệnh viện và trường học, cải thiện đời sống người dân và làm giàu cho các vùng của nước Nga.
Bản Thông điệp liên bang 2018 đưa ra ngay trước thềm bầu cử, với mở đầu tập trung nâng cao đời sống người dân Nga và phần sau là hé lộ sức mạnh quân sự đáng gờm của Nga, đã tạo lợi thế lớn cho Tổng thống Putin. Và giờ đây là lúc Tổng thống Putin phải hiện thực hóa các cam kết của mình.
Giới phân tích đang phỏng đoán nhiều kế hoạch mà ông Putin sắp tới sẽ bắt tay vào thực hiện để giữ đúng cam kết của mình. Nhà kinh tế Liza Ermolenko tại Barclays Capital nói với CNBC rằng, để thực hiện riêng cam kết cải thiện hạ tầng y tế trong 6 năm tới, Tổng thống Putin cần tới 162 triệu USD, tương đương gần 2% GDP mỗi năm.
Tham vọng kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Theo bà Liza Ermolenko, số tiền này sẽ không dễ dàng như “hái quả trên cây”. Giới phân tích cho rằng, ông Putin có thể phải lựa chọn các “kế hoạch không được lòng người” như tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thuế VAT.
“Tổng thống Putin có thể phải lựa chọn các cải cách khắc nghiệt, mà có thể khiến các cử tri không đồng tình”, CNBC dẫn lời nhà kinh tế Liza Ermolenko.
Các chuyên gia kinh tế dự báo Tổng thống Putin có thể phải cân nhắc tạm gác lại một số cam kết của mình. Có ý kiến đã chỉ trích các quyết định “liều lĩnh” của Điện Kremlin trong những năm gần đây đã kéo theo khó khăn ập vào nền kinh tế Nga. Chỉ trích này ám chỉ đến trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm vào Nga nhiều năm qua liên quan đến khủng hoảng Ukraine và vấn đề Crimea.
Dù vậy, nền kinh tế Nga đã dễ thở hơn phần nào khi giá dầu, vốn là trụ cột xương sống, đã tăng trở lại. Các trừng phạt Nga là con dao hai lưỡi khiến Liên minh châu Âu chịu tổn thất không ít và khối này cũng đang tính đến khả năng sẽ dỡ bỏ trừng phạt Moscow. Những tín hiệu tích cực này củng cố thêm niềm tin của cử tri Nga và lá phiếu họ dành cho Tổng thống Putin là hoàn toàn đúng đắn.
Thậm chí, cử tri Nga tin tưởng nhờ vào sự mạnh mẽ của Tổng thống Putin, Nga đã tái lập được vị thế trên trường quốc tế, với sức mạnh đáng kể về chính trị và quân sự./.
Tổng thống Nga Putin sẽ đối thoại trực tuyến với người dân