“Chảo lửa” Idlib (Syria) sục sôi, châu Âu “đứng ngồi không yên”
VOV.VN - Liên minh châu Âu lo ngại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ khiến dòng người tị nạn đổ về khu vực này ngày càng nhiều.
Cuộc không kích của quân đội Syria nhằm vào những khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát tại tỉnh Tây Bắc Idlib (Idlib) hôm 27/2 đã làm 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Vụ việc khiến chảo lửa âm ỉ ở Idlib trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết. Không chỉ đe dọa phát động một chiến dịch quân sự quy mô tại đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn cảnh báo sẽ mở cửa cho người tị nạn tràn vào châu Âu. Kịch bản này một khi xảy ra thì đó không còn là chuyện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nữa.
Giao tranh ác liệt ở Idlib đã khiến hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. (Nguồn: AFP). |
Cuộc không kích ngày 27/2 của quân đội Syria đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua tại tỉnh Idlib. Đây là vùng lãnh thổ cuối cùng bị phiến quân kiểm soát tại Syria và cũng là nơi mà lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ các nhóm phiến quân tại đây, đã ngay lập tức cảnh báo đáp trả và sẽ tấn công tất cả các mục tiêu của quân đội Syria ở khu vực này.
“Thời gian đặt ra cho Syria sắp hết, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch giải phóng các trạm quan sát của mình vào cuối tháng này. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ dù là một chút ít ở Idlib và sẽ đánh bật lực lượng chính phủ Syria ra khỏi khu vực và để người dân có thể quay lại nhà của mình”, tuyên bố từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.
Không chỉ tới chính quyền Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn gửi thông điệp tới châu Âu khi đe dọa sẽ mở cửa cho người tị nạn. Ngay tối 27/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tổ chức cuộc họp khẩn kéo dài nhiều giờ với các cố vấn cấp cao nhằm thảo luận về cuộc không kích mới nhất của quân đội Syria.
Kể từ đầu tháng 2 tới nay, đã có 54 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Điều gây lo ngại nhất hiện nay là những căng thẳng này có thể làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã trầm trọng tại Syria. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua, chiến sự tại Idlib đã khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó rất nhiều người là tới quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được đánh giá là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi cuộc xung đột Syria bùng phát hồi năm 2011.
Nếu hiện thực hóa lời đe dọa để mặc cho người di cư vào châu Âu, cũng có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ lời hứa với Liên minh châu Âu hồi năm 2016 và có thể khiến các cường quốc phương Tây buộc phải can thiệp vào cuộc xung đột tại Idlib giữa lúc các cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt tiến triển. Căng thẳng ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ dọa mở cửa cho người tị nạn đến châu Âu
Trong trường hợp người tị nạn ồ ạt từ Idlib, lực lượng bảo vệ bờ biển và nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới sẽ nhận được lệnh rút khỏi các cửa khẩu trên bộ và trên biển. Một nguồn tin tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển và nhân viên an ninh nước này tại khu vực biên giới đã bắt đầu nhận được lệnh không ngăn cản người tị nạn Syria tìm cách vào châu Âu bằng đường bộ hay đường biển nữa.
Nguồn tin này cho biết thêm, việc tiếp nhận người tị nạn là một gánh nặng quá lớn đối với một nước, bất kể quốc gia đó phát triển như thế nào. Rất nhiều người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã bắt đầu đổ về các khu vực cửa khẩu, với hi vọng có thể dễ dàng vào các nước châu Âu giàu có.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 27/2 bày tỏ lo ngại sâu sắc tuyên bố lo ngại sâu sắc trước tình trạng đụng độ leo thang ở Tây Bắc Syria, một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức.
“Thông điệp rất rõ ràng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Giải pháp khả thi duy nhất vẫn là chính trị. Cơn ác mộng nhân đạo đối với người dân Syria cần phải dừng lại ngay bây giờ”, ông Antonio Guterres cho biết.
Thổ Nhĩ kỳ trước đây từng nhiều lần kêu gọi châu Âu làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Idlib và Tổng thống Erdogan đã cảnh báo nước này sẽ mở cửa cho người tị nạn nếu châu Âu không thể hành động./.
Trận quyết đấu cuối cùng tại Idlib: Thổ Nhĩ Kỳ ra uy để “giữ thể diện”?
Nhân tố làm đảo chiều những toan tính chiến lược ở Idlib (Syria)
3 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất bại nếu gây chiến với Syria tại Idlib