Châu Âu bàn mô hình phát triển mới sau cuộc chiến tại Ukraine

VOV.VN - Lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhóm họp trong hai ngày 10/3 và 11/3 tại lâu đài Versailles, Pháp nhằm thảo luận về mô hình phát triển mới của khối này, trong bối cảnh các quan hệ kinh tế - chính trị với Nga đổ vỡ toàn diện vì xung đột tại Ukraine.

Chủ đề chính của hội nghị tập trung lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu – EU tại lâu đài Versailles trong hai ngày 10/3 và 11/3 là “Mô hình mới của châu Âu về tăng trưởng và đầu tư” nhưng cuộc chiến tại Ukraine và các hệ luỵ liên quan sẽ là trọng tâm chi phối mọi cuộc thảo luận.

Thông tin trước khi hội nghị diễn ra, nước chủ nhà Pháp, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu khẳng định Hội nghị lần này sẽ là một “bước nhảy vọt của châu Âu” trong việc nâng cao chủ quyền, năng lực hành động trong các vấn đề chiến lược như quốc phòng, năng lượng. Đây cũng chính là hai chủ đề được thảo luận đầu tiên khi nguyên thủ 27 nước EU bắt đầu phiên họp vào lúc 16h30 (theo giờ địa phương) tại lâu đài Versailles. 

Phát biểu trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhận định, hội nghị này là một cột mốc lịch sử đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ ngây thơ của châu Âu và là lúc châu Âu buộc phải đứng lên gánh vác các trọng trách an ninh của khối. Dự thảo kết luận của Hội nghị tiết lộ ra báo chí cũng cho thấy, 27 nước EU sẽ khẳng định lại vai trò then chốt của liên minh quân sự NATO trong việc đảm bảo an ninh châu Âu nhưng sẽ thúc giục các quốc gia thành viên EU gia tăng chi tiêu quốc phòng, khuyến khích phát triển các dự án quốc phòng chung, các hợp đồng mua bán vũ khí chung. Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ đặt nhiệm vụ cho Uỷ ban châu Âu công bố một chính sách quốc phòng chung của EU vào cuối tháng 3/2022. 

Về vấn đề năng lượng, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận và đánh giá bản kế hoạch mới được Uỷ ban châu Âu công bố cách đây 2 ngày về việc sẽ cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga ngay trong năm nay. Thách thức với châu Âu hiện nay là phải tìm nguồn cung ổn định trong thời gian ngắn, tiếp đến là điều chỉnh các chính sách năng lượng, một mặt để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt Nga, mặt khác không thay đổi quá nhiều các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của khối.

Phát biểu tại Trường Chính trị Paris trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng Hà Lan, ông Mart Rutte cho rằng, một số nước cần phải đánh giá lại các chính sách năng lượng trước đây.       

“Tôi có thể tưởng tượng rằng, ví dụ như nước Đức có thể sẽ phải xem lại chính sách từ bỏ năng lượng hạt nhân của mình. Chúng ta cần phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi nghĩ hiện tại mọi thứ đều đang đi theo hướng, một cách hợp lý chứ không giáo điều, rằng dù châu Âu cần phải ít phụ thuộc hơn vào khí đốt và dầu mỏ của Nga càng sớm càng tốt nhưng việc này sẽ không diễn ra ngay trong ngày mai. Đó là điều không thể”.

Bên cạnh các thảo luận về mô hình phát triển tương lai của châu Âu, các lãnh đạo EU cũng sẽ dành một phần lớn thời gian để thảo luận về tình hình chiến sự tại Ukraine và về đề xuất từ Ukraine cũng như một số thành viên EU khác là sớm kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu. Hiện chủ đề này đang gây chia rẽ trong nội bộ EU. Một số quốc gia Đông Âu và Baltic muốn EU ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên theo quy trình rút gọn nhưng các nước như Đức, Pháp, Hà Lan… cho rằng dù EU hiện đã coi Ukraine là một thành viên nhưng việc kết nạp nước này này cần trải qua một quy trình chặt chẽ, mất ít nhất vài năm. 

Nhiều quan chức cấp cao EU cũng nhận định, ưu tiên lớn nhất hiện nay của EU là trợ giúp Ukraine về kinh tế và quân sự chứ không phải là việc kết nạp mang tính biểu tượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu
Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu

VOV.VN - Hãng thông tấn TASS hôm nay (10/3) dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ không tham gia Hội đồng châu Âu nữa.

Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu

Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu

VOV.VN - Hãng thông tấn TASS hôm nay (10/3) dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ không tham gia Hội đồng châu Âu nữa.

Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga và Belarus
Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga và Belarus

VOV.VN - EU đã đưa thêm nhiều nhân vật tại Nga vào danh sách đen và nhắm vào lĩnh vực ngân hàng của Belarus.

Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga và Belarus

Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga và Belarus

VOV.VN - EU đã đưa thêm nhiều nhân vật tại Nga vào danh sách đen và nhắm vào lĩnh vực ngân hàng của Belarus.

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột Ukraine lan ra toàn châu Âu và cách ngăn chặn
Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột Ukraine lan ra toàn châu Âu và cách ngăn chặn

VOV.VN - Điều gì xảy ra nếu cuộc xung đột ở Ukraine lan ra toàn châu Âu và liệu có những giải pháp phòng ngừa nào để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra?

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột Ukraine lan ra toàn châu Âu và cách ngăn chặn

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột Ukraine lan ra toàn châu Âu và cách ngăn chặn

VOV.VN - Điều gì xảy ra nếu cuộc xung đột ở Ukraine lan ra toàn châu Âu và liệu có những giải pháp phòng ngừa nào để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra?

Mỹ đánh vào huyết mạch kinh tế của Nga, châu Âu có sẵn sàng “nối gót”?
Mỹ đánh vào huyết mạch kinh tế của Nga, châu Âu có sẵn sàng “nối gót”?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang.

Mỹ đánh vào huyết mạch kinh tế của Nga, châu Âu có sẵn sàng “nối gót”?

Mỹ đánh vào huyết mạch kinh tế của Nga, châu Âu có sẵn sàng “nối gót”?

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine ngày càng leo thang.