Châu Âu “chất chồng khó khăn” vì thiếu khí đốt Nga
VOV.VN - Giá năng lượng tăng cao, sản lượng sản xuất sụt giảm, nền kinh tế châu Âu bên bờ vực suy thoái, vì thiếu khí đốt do không có nguồn cung từ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen thừa nhận, trong cuộc chiến trừng phạt và năng lượng với Nga, người dân châu Âu phải chấp nhận hi sinh.
Giá khí đốt của Anh và Hà Lan tăng mạnh khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ qua đề xuất áp giá trần với mặt hàng khí đốt Nga, khỏi các kế hoạch chống lại chi phí năng lượng đang tăng lên.
Các kế hoạch “kìm hãm” giá năng lượng chỉ bao gồm đánh thuế từ lợi nhuận thu được từ các công ty và cắt giảm việc sử dụng điện trên toàn Khối.
Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu ngày 14/9 đã bỏ phiếu để nâng cao các mục tiêu của khối, nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, ủng hộ các đề xuất được đưa ra đầy tham vọng hơn trong nỗ lực nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Áo Martin Kocher nhận định, việc châu Âu ngừng mua khí đốt Nga sẽ là “gánh nặng không thể chịu nổi” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chính trị gia Áo cho rằng, với diễn biến sự kiện như vậy, Nga sẽ chỉ còn cách “đốt” nhiên liệu.
Đây cũng nhận định của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen: “Năm 2021, khí đốt của Nga chiếm 40% lượng khí đốt nhập khẩu của chúng tôi. Ngày nay, con số này giảm xuống còn 9%. EU đang thấy rằng Nga vẫn đang tích cực thao túng thị trường năng lượng. Ý của tôi là họ thích đốt khí đốt thay vì gửi đến châu Âu theo các hợp đồng đã có”.
Đáp trả tuyên bố từ giới chức EU, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định, EU không phải là bạn hàng duy nhất của Nga: “Châu Âu không phải là nơi tiêu thụ khí đốt tự nhiên duy nhất và cũng không phải là châu lục duy nhất cần khí đốt tự nhiên để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Có những khu vực đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều và có nhiều kế hoạch phát triển tham vọng hơn. Trong những khu vực này, nhu cầu về khí đốt có thể bù đắp đầy đủ cho sự thụt giảm nhu cầu từ châu Âu”.
Trong bối cảnh như vậy, báo chí Tây Ban Nha đưa tin, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn đáy vào đầu tháng 2 năm sau, dù đã hoàn thành mục tiêu dự trữ 80% lượng khí đốt cho mùa đông tới. Và rằng 160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia châu Âu với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hằng năm ở các nước thành viên EU.
Nếu không có khí đốt Nga, châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong năm tới. Bởi đến cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới chỉ dám kỳ vọng Berlin sẽ hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào cuối năm sau.
Bà Ursula Von der Leyen thừa nhận, tương lai phía trước của châu Âu sẽ không dễ dàng - nhiều gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống, trong khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Người dân ở Áo, Cộng hòa Séc và các nước khác trong khối đã xuống đường biểu tình trong những tuần gần đây để phản đối chi phí năng lượng tăng cao.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều dự báo các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu sẽ tăng trưởng âm trong những tháng sắp tới, và mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái này sẽ tùy thuộc vào việc mùa đông năm nay ở châu Âu sẽ lạnh tới mức nào, các nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga sẽ đáp ứng nhu cầu của châu Âu được tới mức độ nào, và các chính phủ trong khu vực có thể hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua “bão giá” năng lượng ra sao./.