Châu Âu “đau đầu” với các công ty đánh giá tín nhiệm

Không chỉ “gồng mình” đối phó với khủng hoảng tài chính - ngân sách mà các nước châu Âu đang “đau đầu” bởi các công ty đánh giá mức độ tín nhiệm trên thế giới.

Xung đột lợi ích

Nhắc đến các công ty xếp hạng tín nhiệm trên thế giới, ngay lập tức người ta nói đến 3 “thế lực” khổng lồ là Standard&Poor’s, Moody’s và Fitch.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, ngân sách ở châu Âu, tên gọi của các công ty này liên tục xuất hiện ở trang nhất của nhiều tờ báo châu Âu sau những lần hạ điểm tín nhiệm các quốc gia như: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Bỉ…

Gần đây nhất, ngày 20/12, hãng Moody’s lại hạ điểm 5 ngân hàng hàng đầu của Ireland, khiến cho tình hình Ireland vốn khó khăn, lại càng thêm bi đát.

Điều tưởng như nghịch lý là cả 3 công ty xếp hạng tín nhiệm đều có trụ sở ở Mỹ, nhưng những báo cáo phân tích rủi ro của 3 “ông lớn” trong lĩnh vực này lại có ảnh hưởng to lớn ở châu Âu. Phó Giáo sư Kinh tế - Tài chính Trường Đại học Maine của Pháp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền lý giải: “Việc đánh giá độ tín nhiệm hay đánh giá mức độ rủi ro của các khoản nợ là vấn đề rất phức tạp. Ngay cả các ngân hàng rất lớn, nổi tiếng trên thế giới không phải lúc nào cũng đủ nguồn lực về kinh tế, tài chính hay các chuyên gia hàng đầu để đánh giá. Chính vì thế, họ phải dựa trên các công ty chuyên sâu về lĩnh vực này. Thế nên, ngay khi các công ty xếp hạng tín nhiệm ra thông tin, thị trường lập tức phản ứng bằng các quyết định đầu tư theo các thông tin đó”.

Không phủ nhận vai trò của các công ty đánh giá mức độ tín nhiệm đối với thị trường tài chính, nhưng cũng ngày càng có nhiều ý kiến đòi hỏi phải xem xét lại hoạt động của các công ty này.

Bất cập đầu tiên liên quan đến các công ty đánh giá tín nhiệm là sự “minh bạch” trong cách đánh giá. Công chúng nói chung cũng như các nhà nghiên cứu chưa thể nhận biết các công ty đánh giá tín nhiệm dựa trên phương pháp nào, có chính xác và khách quan hay không.

Một bất cập khác thường được nhắc tới là tình trạng “xung đột lợi ích”.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, trước kia, khi mới ra đời, các công ty xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò như một nhà tư vấn trung gian. Khi các nhà đầu tư muốn đầu tư vào các trái phiếu hoặc công cụ nợ của các công ty phát hành, các công ty phát hành sẽ trả tiền để các công ty đánh giá tín nhiệm cung cấp thông tin và các phân tích. Thế nhưng về sau, do thị trường phát triển, mô hình kinh tế thay đổi, các công ty đánh giá tín nhiệm thấy rằng lợi nhuận của các công ty này từ việc lấy tiền của các nhà đầu tư không nhiều, nên chuyển sang lấy tiền của các công ty được đánh giá. Vừa đánh giá độ tín nhiệm lại vừa lấy tiền của các công ty phát hành, nên điều đó tạo do mối nghi ngại về sự trung thực của các thông tin.

Ngoài ra, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, các đánh giá của các công ty xếp hạng tín nhiệm thường được đưa ra chậm so với thực tế. Thường thì khi tình hình ở một quốc gia đã xấu đi, các công ty này mới bắt đầu “cho điểm” và thường theo hướng tiêu cực. Điều đó khiến cho tình hình không những không dịu đi, mà còn diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn.

Cần tỉnh táo trước kết quả đánh giá tín nhiệm

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể gây ra, nhiều nước trên thế giới đã đề xuất các giải pháp khác nhau.

Tại Mỹ, Luật Cải tổ ngành Tài chính mà Tổng thống Obama ký ban hành ngày 21/7 cho phép các nhà đầu tư được phép kiện các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nếu như các tổ chức này không kiểm soát tốt thông tin trước khi đưa ra đánh giá.

Ở châu Âu, trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2010, các công ty đánh giá mức độ tín nhiệm phải đăng ký hoạt động. Châu Âu cũng dự kiến thành lập Cơ quan Các thị trường tài chính châu Âu (AEMF) trong năm 2011 nhằm giám sát hoạt động đánh giá tín nhiệm của các công ty hoạt động này.

Một hướng giải quyết khác được đưa ra là thành lập các công ty mới trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm nhằm giảm thiểu sự thống trị của “bộ ba” ở Mỹ. Cụ thể, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle kêu gọi thành lập một hãng đánh giá tín nhiệm độc lập của châu Âu, còn ông Jean-Pierre Jouyet - Chủ tịch Cơ quan Giám sát các thị trường tài chính Pháp (AMF) lại ủng hộ một tổ chức quốc tế nửa Nhà nước, nửa tư nhân dưới sự quản lý của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Huyền, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới, Việt Nam cũng cần có thái độ phù hợp trong việc xử lý các thông tin do các công ty xếp hạng tín nhiệm công bố.

Một mặt, các cơ quan chức năng cần cung cấp nhiều thông tin minh bạch để các nhà đầu tư có kênh tham khảo chính thống, mặt khác cũng cần đa dạng hoá các hoạt động đánh giá tín nhiệm ở trong nước và trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên