Châu Âu đẩy mạnh các biện pháp hạn chế đối phó với “cơn đại hồng thủy” Covid-19
VOV.VN - Trở thành điểm nóng về đại dịch Covid-19 sau khi số ca mắc tăng mạnh, châu Âu buộc phải thắt chặt các biện pháp hạn chế, bao gồm cả lệnh giới nghiêm và phong tỏa.
Đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và nguy cơ kinh tế, châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thắt chặt kiểm soát dịch bệnh. Những biện pháp hạn chế từ tháng 5 vừa qua như đóng cửa nhà hàng, quán bar, đảm bảo giãn cách xã hội… từng được dỡ bỏ thì nay buộc phải áp dụng trở lại.
Bỉ, nơi tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng 100% hồi tuần trước, đã quyết định đóng cửa quán bar và nhà hàng trong 1 tháng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trước sự lan rộng của dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cảnh báo rằng, thủ đô Brussels và khu vực miền Nam Wallonia của nước này đang tiến gần “một cơn đại hồng thủy”. Điều này có nghĩa là khi đó, các nhà chức trách sẽ mất kiểm soát hoàn toàn và mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe không liên quan tới dịch Covid-19 phải ngừng hoạt động. Ông đồng thời kêu gọi mọi người nâng cao ý thức kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe bản thân.
“Chúng ta đang tiến rất gần một cơn đại hồng thủy. Hiện giờ, chúng ta vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh, chúng ta vẫn có thể điều tiết hoạt động của các bệnh viện. Tuy nhiên, nếu số ca lây nhiễm tiếp tục tăng, số người nhập viện tăng nhanh, chúng ta buộc phải đình chỉ một số hoạt động điều trị không liên quan đến Covid-19. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Tôi chỉ muốn gửi đi một thông điệp tới các bạn: Hãy tự bảo vệ bảo thân mình, bảo vệ những người xung quanh bạn. Và để làm vậy, bạn không được cho phép mình bị lây nhiễm Covid-19”.
Từng là tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 tại châu Âu hồi tháng 3, nhà chức trách Italy đã phải nhanh chóng ban hành những biện pháp hạn chế mới nhằm tránh tái diễn kịch bản cũ. Theo đó, các nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa sớm hơn trong khi các cơ quan, công ty đẩy mạnh hình thức làm việc từ xa.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới tăng gấp 2 lần hồi tuần trước, Thụy Sĩ cũng đã đưa ra một số biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng, hạn chế sự kiện tụ tập đông người. Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset nhận định, làn sóng Covid-19 thứ hai đang hiện hữu, xảy ra sớm hơn với tốc độ lây lan nhanh hơn dự đoán. Trong tình trạng tương tự, Đức, Pháp, Tây Ban Nha cũng đã quyết định tăng cường các hạn chế phòng dịch như áp dụng mở rộng khu vực đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Đáng lưu ý, Ireland đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, với những quy định hạn chế được đặt ở mức cao nhất. Theo đó, toàn bộ các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu buộc phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng và quán bar chỉ được phép kinh doanh dịch vụ mang đồ ăn/uống về nhà. Người dân không được phép đi quá phạm vi 5 km tính từ nhà của họ. Các biện pháp mới sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 6 tuần, kể từ 23h đêm ngày 21/10, tức 6h sáng ngày 22/10 theo giờ Việt Nam.
Trong một tín hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu, các tín đồ Thiên chúa giáo hôm qua lần đầu tiên thấy Giáo hoàng Francis đeo khẩu trang trong một lễ cầu nguyện ở Vatican.
Tính đến nay, trên thế giới có tổng cộng hơn 41 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 1 triệu ca tử vong. Riêng tại châu Âu, châu lục này mỗi ngày ghi nhận thêm 150.000 ca mắc, chiếm hơn 17% số ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới./.