Châu Âu đối phó với nạn nhập cư trái phép
VOV.VN - EU đã công bố kế hoạch 10 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến làn sóng người di cư trái phép tràn vào châu Âu.
Người phát ngôn Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn hôm 21/4 xác nhận, 800 người nhập cư đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngoài khơi Libya. Đây được xem là thảm kịch hàng hải lớn nhất ở khu vực Địa Trung Hải. Vì thế, châu Âu đang kêu gọi những hành động mạnh tay hơn với nạn nhập cư trái phép
Theo bà Carlotta Sami, người phát ngôn Cao ủy về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, trong số 800 người thiệt mạng có cả trẻ em từ 10-12 tuổi. Họ là những người đến từ Syria, Eritrea và Somalia. Bà Sami kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước châu Âu khác không để Italia một mình trong cuộc khủng hoảng với người di cư bất hợp pháp.
"Đó là một vấn đề mà tất cả chúng ta cần phải đối mặt với nhau. Châu Âu cần thể hiện quyền năng của mình như một liên minh. Khi xung đột khu vực gia tăng, tất cả các nước cần phải làm việc với nhau để giúp giải cứu ở Địa Trung Hải" - bà Carlotta Sami nói
Những con số thương vong bi thảm trên đã khiến nhiều người hối thúc nhà chức trách châu Âu tăng cường các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên Địa Trung Hải. Tại Hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/4 ở Luxembourg, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề đối ngoại Federica Mogherini đã công bố kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, liên quan đến làn sóng người di cư trái phép tràn vào châu Âu.
Trong kế hoạch 10 điểm nói trên, các bộ trưởng nhất trí cơ quan giám sát biên giới Liên minh châu Âu hiện nay là Triton cần được tăng cường mở rộng quy mô và khả năng hoạt động đến sườn phía Nam của liên minh.
Tuy nhiên, bà Mogherini đã phải thừa nhận rằng sẽ không có một “giải pháp thần kỳ” nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này, và “vấn đề chính là phải xây dựng một nhận thức chung về trách nhiệm của cả châu Âu về những gì đang diễn ra trên Địa Trung Hải”.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu cũng sẽ nỗ lực thu giữ hoặc phá hủy những chiếc thuyền chở người di cư trái phép và tăng cường hợp tác trong toàn liên minh, đồng thời sẽ triển khai một dự án tái định cư thí điểm trên cơ sở tự nguyện nhằm cung cấp nơi ở cho những đối tượng cần được bảo vệ.
Phía Italia đã ngay lập tức hoan nghênh kế hoạch này của Liên minh châu Âu. Bộ trưởng cơ sở hạ tầng và giao thông của Italia, ông Denrio nói: “Kế hoạch 10 điểm của liên minh châu Âu rất đáng hoan nghênh. Nó cho thấy thái độ của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến buôn người”.
Trong một phản ứng, hôm qua (21/4), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo việc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khẩn cấp vào ngày 23/4 để thảo luận kế hoạch trên, khẳng định Liên minh châu Âu không thể chấp nhận việc hàng trăm người bỏ mạng trên biển.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu áp dụng những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn sau vụ tàu chở người nhập cư bị lật ngoài khơi Libya. Thủ tướng Tony Abbott nhấn mạnh biện pháp duy nhất để tránh thảm kịch tương tự đối với người tị nạn là ngăn chặn tàu thuyền của họ.
Theo ông Tony Abbott, đây là lý do các nước châu Âu cần "noi gương" Australia, gấp rút thông qua "những chính sách hết sức mạnh tay" nhằm chấm dứt nạn buôn bán người qua Địa Trung Hải. Theo chính sách của Australia, các tàu chở người tị nạn tiếp cận bờ biển nước này đều buộc phải quay đầu, đồng thời người xin tị nạn qua đường biển bị cấm nhập cư vĩnh viễn.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 31.500 người tị nạn đã đổ bộ vào bờ biển Italia và Hy Lạp, nhiều nhất là vào tháng 3vừa qua khi thời tiết trên biển thuận lợi, hối thúc dòng người nhập cư ồ ạt vượt biển. Theo Tổ chức Di cư Thế giới, chỉ trong một tuần trước, các lực lượng hành pháp trên biển và tàu buôn của Italia đã giải cứu khoảng 10.000 dân nhập cư gặp nạn.
Các đường dây buôn người, đưa người vượt biển đang nở rộ ở Libya do tình hình hỗn loạn tại đất nước này sau khi ông Moammar Kadafi bị lật đổ. Trước đây, ông Kadafi đã hợp tác rất tốt với Italia để hạn chế tình trạng vượt biển nhập cư vào châu Âu qua ngả Địa Trung Hải./.