Châu Âu hoan nghênh thỏa thuận cứu trợ dành cho Hy Lạp

Theo Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, củng cố tài chính và cải cách cơ cấu kinh tế là cách duy nhất để Hy Lạp phát triển.

Ngày 21/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã hoan nghênh việc châu Âu thông qua gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, coi đây là động thái thiết yếu nhằm tránh cho Hy Lạp rơi vào nguy cơ vỡ nợ.

Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso nhấn mạnh: gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp sẽ góp phần chấm dứt nguy cơ vỡ nợ không kiểm soát của nước này. Theo ông, củng cố tài chính và cải cách cơ cấu kinh tế là cách duy nhất để Hy Lạp phát triển.

Gói cứu trợ tài chính của EU đối với Hy Lạp nhận được phản hồi tích cực

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone đã thông qua gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp. Gói cứu trợ trị giá 310 tỷ USD nhằm giúp nước này trụ vững trong Eurozone, trong đó bao gồm các khoản cho vay từ các nước khác trong Khu vực lên tới 130 tỷ euro từ nay đến năm 2014. Nếu thỏa thuận liên quan gói cứu trợ này được các bên liên quan ký kết đúng dự định thì Hy Lạp sẽ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào ngày 20/3 tới, thời điểm Hy Lạp phải thanh toán khoản nợ trái phiếu đáo hạn lên tới hơn 14 tỷ euro, khoảng trên 18 tỷ USD trong điều kiện ngân sách nước này đang ngày càng cạn kiệt.

Thỏa thuận cứu trợ này trước đó cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ giới chức châu Âu và giới đầu tư.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh Châu Âu (EU) cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định này, đồng thời hy vọng gói cứu trợ sống còn này sẽ giúp Athen vượt qua khủng hoảng chính trị và từng bước khôi phục kinh tế.

Phát biểu với báo giới ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne  cho rằng: “Giải quyết tình hình nợ cho Hy Lạp, tất nhiên chỉ là một phần của việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Dù vậy, chúng ta cũng đã đạt được một bước tiến quan trọng. Đối với nước Anh, đây thật sự là một tin tốt lành, bởi nó sẽ là một động lực lớn nhất giúp hồi phục kinh tế trong năm nay”.

Trong Thông cáo chung tại cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) hôm 21/2, Hội đồng châu Âu (EC) đã chấp thuận gói biện pháp thứ 2 nhằm tiếp tục củng cố những điều chỉnh kinh tế tại các nước thành viên Eurozone.

Theo các biện pháp mới, các nước Eurozone phải gửi dự thảo ngân sách năm sau lên EC trước ngày 15/10 hàng năm. Gói biện pháp này sẽ mở rộng giám sát đối với ngân sách các nước thành viên thâm hụt ngân sách cũng như tăng cường giám sát chính sách tài chính của các nước nhận trợ giúp kinh tế. Gói biện pháp này còn cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua và thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU.

Gói biện pháp này nhằm giúp thực hiện Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng vẫn bị vi phạm thường xuyên với quy định thâm hụt ngân sách tối đa là tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ quốc gia là 60% GDP.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ vừa qua, có tới 20 trong số 27 nước EU đã vi phạm hiệp ước này, kỷ lục là Hy Lạp với thâm hụt ngân sách năm 2009 vượt 19% GDP và nợ quốc gia vượt 160% GDP./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên