Châu Âu phản ứng việc Mỹ tiếp tục áp thuế trừng phạt
VOV.VN - Liên minh châu Âu đã phản đối việc Mỹ ra quyết định tiếp tục duy trì các sắc thuế trừng phạt lên một số mặt hàng xuất khẩu.
Theo tuyên bố được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trên kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 13/8, chính quyền Mỹ quyết định vẫn giữ nguyên các mức thuế trừng phạt nhằm vào một số mặt hàng xuất khẩu của các nước châu Âu.
Trong phát biểu của mình, ông Donald Trump cho rằng, việc Mỹ giữ nguyên các mức thuế trừng phạt này là vì châu Âu đã “gian lận”, đồng thời chỉ trích rằng, châu Âu cũng “tệ hại không kém gì Trung Quốc” khi lợi dụng Mỹ.
Trên thực tế, việc Mỹ đưa ra các loại thuế trừng phạt nhằm vào một số mặt hàng của các nước châu Âu xuất phát từ một tranh chấp từ năm 2004 liên quan đến việc các tập đoàn hàng không Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ hưởng các trợ cấp nhà nước. Năm 2019, Tổ chức thương mại thế giới – WTO đã ra phán quyết cho phép Mỹ đánh thuế bổ sung trị giá 7,5 tỷ USD mỗi năm lên các mặt hàng châu Âu.
Ngay lập tức, phía Mỹ khi đó đã ra quyết định đánh thuế trừng phạt 15% lên máy bay của Airbus và 25% lên các sản phẩm khác như phomat, rượu vang, oliu, rượu whisky của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Đáp trả quyết định tiếp tục duy trì thuế trừng phạt từ phía Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire lập tức lên tiếng phản đối và cho biết, Tập đoàn hàng không Airbus đã làm mọi thủ tục cần thiết và hợp pháp để giải quyết dứt điểm tranh chấp với phía Mỹ.
Ông Bruno Le Maire cũng đồng thời yêu cầu Ủy viên Thương mại của EU, Phil Hogan đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp với Mỹ. Trong số các nước châu Âu, Pháp, Đức và Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nhất vì hàng không, rượu vang hay phomat đều là các lĩnh vực xuất khẩu lớn của các nước này vào Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo, nếu không sớm giải quyết tranh chấp với Mỹ, phía EU cần phải trả đũa một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong thông cáo đưa ra, Ủy ban châu Âu giữ giọng điệu mềm mỏng hơn khi cho rằng, Mỹ và châu Âu cần phải đẩy mạnh đàm phán trong bối cảnh cả hai đều chịu các tác động kinh tế lớn vì đại dịch Covid-19.
Hiệp hội các nhà sản xuất rượu whisky của Scotland thì tuyên bố “vô cùng thất vọng” với quyết định của Mỹ và cho biết, vì mức thuế 25% của phía Mỹ, các nhà sản xuất rượu whisky ở Scotland đã thiệt hại tới 300 triệu bảng trong hơn 1 năm qua./.