Châu Âu sẵn sàng lên tuyến đầu trong nỗ lực hòa giải Nga - phương Tây
VOV.VN - Với vai trò là 2 nước đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) và cũng là thành viên quan trọng trong NATO, Pháp và Đức đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong các nỗ lực đó, nổi bật là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Pháp và Đức-Mỹ diễn ra trong ngày 7/2 và chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Ukraine, Đức và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trong vòng 2 ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến đi ngoại giao "maratông" khi đến thăm Nga, Ukraine và Đức để giải quyết căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức và Tổng thống Ba Lan trong chuyến thăm Đức, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, việc nối lại các cuộc đối thoại với Nga là không thể thiếu bởi đây là con đường duy nhất có thể ngăn ngừa một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo ông Macron, châu Âu cần cùng nhau tìm ra con đường và biện pháp để tiến hành các cuộc đối thoại cần thiết và quan trọng với nước Nga, đặc biệt là cuộc gặp 4 bên theo định dạng Normandy hay trong khuôn khổ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), để duy trì hoà bình và ổn định của châu Âu.
“Chúng tôi sẽ cùng nhau hành động trong những tuần tới đây với những mục tiêu rõ ràng. Ưu tiên hàng đầu là tránh một cuộc chiến. Hoà bình và sự ổn định là tài sản của châu Âu và chúng tôi có nghĩa vụ phải làm tất cả để duy trì điều này”.
Trước đó, trong cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Macron cũng bày tỏ niềm tin về các “giải pháp thực tế và cụ thể” để chấm dứt khủng hoảng Nga - phương Tây.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng việc duy trì hoà bình cần thông qua con đường ngoại giao và các thông điệp rõ ràng cũng như quyết tâm hành động thống nhất cùng nhau.
"Các cuộc đàm phán của chúng tôi chính xác vào thời điểm này sẽ mang lại lợi ích to lớn vì tất cả chúng ta đều thống nhất vì một mục tiêu: duy trì hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, một thông điệp rõ ràng và sự sẵn sàng đáp lại bằng tiếng nói."
Trước đó, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng, Thủ tướng Đức Scholz cũng cho biết, Đức sẵn sàng tiếp tục đàm phán an ninh với Nga và nêu rõ ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết tình hình ở biên giới Nga - Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh đến nỗ lực ngoại giao đang và sắp diễn ra, trong đó có cuộc đàm phán 4 bên giữa Đức, Pháp, Ukraine và Nga. Sau cuộc hội đàm với ông Biden, ông Scholz dự kiến còn gặp giới chức Liên minh châu Âu, lãnh đạo các nước vùng Baltic trước khi đến Ukraine và Nga trong tuần sau.
Trong thời gian qua, Pháp và Đức đều cùng có quan điểm, các nước châu Âu nên duy trì các kênh đối thoại mở với Nga và khẳng định “đối thoại có điều kiện” sẽ chỉ dẫn tới một cuộc đối đầu với Moscow. Khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây bị đẩy lên cao liên quan đến Ukraine, thì trong thời gian qua, vai trò của EU bị đánh giá là tương đối mờ nhạt. Chính vì thế, hàng loạt chuyến thăm mở màn cho tuần lễ ngoại giao của nhà lãnh đạo Pháp và Đức, hai đầu tầu của khối được cho là nhằm tìm lại tiếng nói của châu Âu không chỉ trong vấn đề an ninh mà còn nhiều vấn đề khác./.