Châu Âu tiếp tục chia rẽ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2
VOV.VN - Dòng chảy phương Bắc 2 tiếp tục là chủ đề gây chia rẽ giữa Đức và các thành viên châu Âu tại Hội nghị không chính thức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU diễn ra tại Brest của Pháp trong ngày 13-14/1.
Theo quan điểm của nước Đức, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức thuần tuý mang tính thương mại. Đây sẽ là nguồn cung cấp năng lượng bổ sung cần thiết cho châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt đang tăng kéo dài từ nhiều tháng qua. Tuy vậy, quan điểm của Đức đang không nhận được sự đồng tình từ phía các đồng minh châu Âu khi cho rằng dự án này mang ý nghĩa chiến lược trong quan hệ giữa Nga và châu Âu.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha cho rằng, chừng nào căng thẳng tại biên giới giữa Ukraine và Nga chưa hạ nhiệt, dự án này chưa thể đi vào vận hành. Một số quốc gia thành viên phía Đông thậm chí đòi châu Âu có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga khi tập trung số lượng lớn quân đội ở sát biên giới với Ukraine, đe dọa an ninh châu Âu.
Quan điểm cứng rắn này nhận được sự chia sẻ của người đứng đầu cơ quan An ninh và Đối ngoại của châu Âu, ông Josep Borrell. Theo ông Borrell, dự án dòng chảy phương Bắc 2 không phải là vấn đề ưu tiên của châu Âu bởi dự án này không đóng góp cho vấn đề tự chủ năng lượng của châu Âu.
“Việc vận hành dự án này sẽ phụ thuộc vào tình hình Ukraine và thái độ của Nga. Thật khó mà nghĩ rằng chúng ta vừa đưa ra các lệnh trừng phạt, lại vừa sử dụng đường ông dẫn khí đốt này. Số phận của dự án này chắc chắn có liên quan đến các diễn biến quân sự tại Ukraina”, ông Borrell nói.
Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD đang khiến Đức rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Dự án này hiện đã hoàn thành quá trình xây dựng nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do chờ sự chấp thuận của Đức và Liên minh châu Âu (EU) theo quy định. Trong nội bộ chính phủ liên minh mới tại Đức, các lãnh đạo của đảng Xanh tuyên bố ủng hộ châu Âu và Mỹ, thúc đẩy Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 như một đòn bẩy chính trị đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Mỹ cũng liên tục gây sức ép buộc châu Âu và Đức từ bỏ dự án này.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh Nga tập trung hàng chục nghìn binh sỹ gần biên giới với Ukraine và những lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ, tương lai của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn còn bất định./.