Châu Âu tiếp tục “cuộc chạy marathon” cứu trợ Hy Lạp

Trong tuần này, diễn ra hàng loạt các cuộc họp, thảo luận về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hiện đang ngày càng lún sâu.  

Liên tiếp hai cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu và của Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 3 và 4/10. Các cuộc thảo luận này đều xoay quanh việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp trị giá gần 160 tỷ euro đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 21/7 vừa qua.

Tuy nhiên, việc hoàn tất kế hoạch cứu trợ Hy Lạp thứ hai này vẫn chưa thống nhất được bởi vì cho tới nay, mới chỉ có 14/17 quốc gia của khu vực đồng tiền chung châu Âu thông qua. Tình hình càng trở nên phức tạp vào thời điểm một ngày trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính châu Âu, Chính phủ Hy Lạp thừa nhận nước này không thể đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách còn 6,5% GDP vào năm 2012 và nợ công của nước này sẽ lên tới 172,7% GDP, tương đương với hơn 370 tỷ euro.

Kết thúc cuộc họp đầu tiên ngày 3/10, các Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu tuyên bố chưa thể đưa ra một quyết định nào. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng khó có thể đưa ra được quyết định nào mang tính đột phá. Các nước châu Âu sẽ chờ đợi kết quả các cuộc thanh sát của “bộ ba” Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế - hiện đang ở Athen để kiểm tra các biện pháp chống khủng hoảng của Hy Lạp.

Ngoài ra, cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Berlin hôm 9/10 tới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với những quyết định mới liên quan đến khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và khu vực đồng euro.

Trong khi chờ đợi, những thông tin xấu từ Hy Lạp và sự dè dặt của các nhà lãnh đạo tài chính châu Âu khiến cho các thị trường chứng khoán ở châu Âu và cả châu Á sụt giảm mạnh. Trong khi đó, Hy Lạp vẫn phải thấp thỏm chờ đón khoản giải ngân 8 tỷ euro của kế hoạch cứu trợ đầu tiên dành cho nước này trong tháng 10/2011 để tránh bị rơi vào tình trạng phá sản.

Chính phủ các nước châu Âu hiện đang ở tình thế vô cùng tế nhị: không hỗ trợ Hy Lạp thì nguy cơ sẽ xảy đến với toàn bộ khu vực đồng euro; còn hỗ trợ Hy Lạp thì cái giá phải trả ngày càng đắt đỏ, cả về kinh tế lẫn về chính trị do sự phản đối của công luận nhiều quốc gia châu Âu đối với việc cứu trợ Hy Lạp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên