“Chia sẻ công bằng vaccine chống Covid-19” sẽ là bài toán khó

VOV.VN - Việc phân phối vaccine phòng chống Covid-19 như thế nào để tất cả mọi người dân, kể cả những người nghèo đều có được là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Các nhà lãnh đạo chính trị và giới chức y tế công cộng toàn cầu đã cam kết chia sẻ công bằng bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào trong tương lai để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Tuy nhiên, việc phân phối chúng như thế nào để tất cả mọi người dân, kể cả những người nghèo, tiếp cận lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cuộc chạy đua gay gắt giữa các nước lớn nhằm đạt được quyền ưu tiên trong vấn đề này là minh chứng rõ ràng nhất.

Vaccine Covid-19. Ảnh minh họa.

Các nhà hoạt động cảnh báo rằng nếu không có nỗ lực mạnh mẽ hơn từ phía các lãnh đạo chính trị, giới chức y tế và các tập đoàn dược phẩm, thì vaccine sẽ vô tình trở thành mục tiêu của một cuộc chạy đua toàn cầu, mà tại đó chắc chắc các nước giàu sẽ giành phần thắng. Sau vụ Mỹ đặt mua trước một lượng lớn vaccine phòng chống Covid-19, nhiều người đã dự đoán về một cuộc chạy đua thậm chí còn quyết liệt hơn khi vaccine được phát triển thành công.

Đến nay, toàn thế giới có hơn 100 dự án vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm. Khi kết quả cuối cùng còn chưa được công bố, chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đã kịp đầu tư hàng tỷ USD vào quá trình nghiên cứu và sản xuất để giành lấy quyền ưu tiên tiếp cận vaccine. Mặc dù chắc chắn sẽ không quốc gia nào đủ khả năng mua tất cả các loại vaccine tiềm năng, nhưng rõ ràng điều này đang đặt các nước nghèo trước nguy cơ không được tiếp cận vaccine hoặc được tiếp cận sau cùng.

Trong thông điệp gửi tới một hội nghị trực tuyến mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, bất kỳ loại vaccine phòng chống Covid-19 tiềm năng nào trong tương lai cũng nên là “vaccine của nhân dân”. Mọi quốc gia, mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng:

“Cuộc khủng hoảng Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh. Các nền kinh tế và xã hội phải được định hình lại hướng tới sự công bằng và toàn diện hơn. Mọi phương pháp điều trị hiệu quả và vaccine phòng chống Covid-19 trong tương lai phải dành cho tất cả người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới như một loại thuốc công cộng toàn cầu, vaccine của nhân dân. Bởi những lỗ hổng dù là trong ứng phó đại dịch Covid-19 hay HIV đều bắt nguồn từ sự bất bình đẳng và các ham muốn chính trị”, ông Antonio Guterres nói.

Trước đó, Uỷ ban Châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc cạnh tranh không công bằng để có được thuốc cứu sinh điều trị Covid-19, mà điển hình là remdesivir. Các nước lớn coi đây là chìa khoá nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra. Theo tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới Quỹ Bill & Melinda Gates, vaccine không nên chỉ dành cho những người có khả năng trả giá cao nhất thay vì cho những người và những nơi cần vaccine nhất:

“Nếu chỉ dành thuốc và vaccine cho những người trả giá cao nhất, thay vì người cần chúng nhất, nhân loại sẽ đối mặt với một đại dịch dài, bất công và chết chóc hơn. Các nhà lãnh đạo nên quyết định vấn đề khó khăn này dựa trên sự công bằng, chứ không phải yếu tố thị trường".

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khắp thế giới và các cuộc nghiên cứu điều chế vaccine vẫn đang chạy đua với thời gian, thì rõ ràng  một nỗ lực chung toàn cầu sẽ tốt hơn là cạnh tranh chiếm thế độc quyền.

Cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS cách đây hai thập kỷ là minh chứng rõ ràng nhất khi nhiều nước hợp tác với nhau để cung cấp thuốc tại hầu hết các khu vực trên thế giới, bao gồm cả châu Phi. Bài học quý giá trong cuộc chiến  này chính là nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới phân phối thuốc, vaccine toàn cầu một cách công bằng và rộng rãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên