Chiến dịch tiêm chủng có nguy cơ chậm trễ do lo ngại về an toàn vaccine Covid-19
VOV.VN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, những lo ngại về an toàn vaccine đang có nguy cơ gây chậm trễ các chiến dịch tiêm chủng.
Giới chức Mỹ hôm qua (14/4) quyết định kéo dài thêm ít nhất 1 tuần việc tạm dừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson&Johnson để có thêm thời gian đánh giá sự liên quan giữa sản phẩm này và hiện tượng đông máu hiếm gặp. Liên minh châu Âu cùng ngày cũng thông báo điều chỉnh chiến lược tiêm chủng trong khi chờ đợi kết luận tại Mỹ.
Hơn 10 khách sạn và phòng tiệc cưới tại thủ đô New Delhi phải chuyển đổi thành các trung tâm Covid-19. Các bệnh viện từ thủ đô New Delhi đến Maharashtra, Madhya Pradesh hay Gujarat đều chật ních bệnh nhân và thậm chí một số bệnh viện còn báo cáo tình trạng thiếu bình oxy.
Đây là hai minh họa rõ nét nhất cho bức tranh dịch bệnh tại Ấn Độ với gam màu xám là chủ đạo. Nước này hiện đã ghi nhận 14 triệu ca mắc Covid-19 và số ca mắc hàng ngày vẫn không ngừng tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ấn Độ đã ghi nhận con số kỷ lục 200.000 ca mắc mới chỉ trong 24 giờ qua.
Bác sĩ Avinash Chaturvedi tại một trung tâm chăm sóc y tế tại New Delhi cho biết: “Các ca mắc Covid-19 đang tăng lên và các bệnh viện đều bị quá tải, dẫn tới tình trạng thiếu bình oxy. Cũng giống như năm ngoái chúng tôi đã chuyển đổi các sân vận động thành trung tâm chăm sóc y tế để đối phó với tình hình hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt tỷ lệ tử vong thấp nhất có thể và nguồn cung cấp oxy không bị gián đoạn”.
Không chỉ Ấn Độ, nhiều nước cũng đang phải chật vật với làn sóng lây nhiễm thứ 3, thậm chí là thứ 4 của dịch bệnh, với số ca mắc mới thậm chí còn cao hơn so với giai đoạn đầu tiên. Tại Campuchia, từ đêm qua, chính phủ nước này đã quyết định đặt thủ đô Phnom Penh trong tình trạng phong tỏa và giãn cách xã hội trong vòng 2 tuần để đối phó với tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng đang rất nghiêm trọng. Còn tại Nhật Bản, chính quyền thành phố miền Tây Matsuyama đã phải quyết định hủy lễ rước đuốc Thế vận hội Tokyo do lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ 4.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, an toàn vaccine tiếp tục là vấn đề gây lo ngại cũng như gây chậm trễ cho các chiến dịch tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã thông báo tạm dừng việc tiêm vaccine Covid-19 của Johnson&Johnson sau khi xuất hiện thông tin về mối liên hệ giữa vaccine này và các trường hợp đông máu hiếm gặp.
Trước Johnson&Johnson, hồi đầu tháng này, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng cho biết đã phát hiện vaccine của AstraZeneca có khả năng liên quan chứng đông máu hiếm gặp. Dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu vẫn tin tưởng vaccine của AstraZeneca mang lại lợi ích vượt trội so với tác dụng phụ nhưng một số quốc gia thành viên đã giới hạn việc sử dụng vaccine này trong một số nhóm tuổi nhất định. Tuy nhiên, một số chuyên gia phản đối việc tạm dừng sử dụng vaccine của Johnson&Johnson, cho rằng có thể ảnh hưởng đến những nhóm dễ bị tổn thương.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh: “Đối với những người đã tiêm vaccine hơn một tháng trước, nguy cơ đông máu là rất thấp. Còn đối với những người tiêm vaccine gần đây, nghĩa là trong vài tuần gần đây, họ nên nhận thức được các triệu chứng của mình và ngay lập tức tìm kiếm hỗ trợ y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại. Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại rằng, ngay cả trong nhóm này, những trường hợp xảy ra đông máu là cực kỳ hiếm”.
Tại Anh, các số liệu thu thập được cho thấy, vaccine ngừa Covid-19 giúp giảm số ca nhập viện và tử vong trong số những người đã được tiêm chủng. Anh là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19./.