Chiến sự Libya không “hạ nhiệt”, số người thiệt mạng gia tăng
VOV.VN - Hơn 1.000 người thương vong trong 2 tuần qua đã cho thấy chiến sự tại Libya không hề “hạ nhiệt” bất chấp kêu gọi đình chiến từ cộng đồng quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/4 cho biết, trong 2 tuần qua, đã có 205 người đã thiệt mạng và 913 người bị thương trong các vụ giao tranh xung quanh thủ đô Tripoli giữa Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) với lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. Con số này đã cho thấy, xung đột tại Libya đã không hề thuyên giảm, bất chấp lời kêu gọi đình chiến từ cộng đồng quốc tế.
Chiến sự Libya không “hạ nhiệt” với số người thiệt mạng gia tăng. Ảnh: Reuters |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, khoảng 18.000 người đã phải sơ tán để tránh bạo lực. Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác đang điều phối các đội y tế lưu động đến những trại tị nạn để hỗ trợ các bệnh nhân. Tổ chức Y tế thế giới nhận định số người thương vong cũng như những người cần trợ giúp sẽ tiếp tục tăng lên thời gian tới, gây áp lực nhất định cho các tổ chức nhân đạo quốc tế. Ngoài ra, Tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh bùng phát do điều kiện vệ sinh không được đảm bảo trong bối cảnh người dân phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột. Ông Jasarevic, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới nói:
"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan y tế địa phương để cung cấp vật tư cho bệnh viện, điều trị cho những người cần điều trị y tế. Rõ ràng với tình hình xung đột leo thang, chúng tôi lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát khi mọi người đang phải sơ tán do xung đột"
Ngoài ra, theo báo cáo của văn phòng điều phối viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc, tình trạng người dân mất chỗ ở đã đến mức báo động nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Hiện tổng số người bị mất chỗ ở lên tới 25.000 người. Ngoài ra, khoảng 820.000 người, trong đó có khoảng 250.000 trẻ em đang cần hỗ trợ khẩn cấp. Văn phòng hỗ trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Libya đã chuyển những người tị nạn khỏi trại Abusliem ở khu vực giao tranh và tiếp tục nỗ lực để đảm bảo tuyến đường an toàn cho người dân và hàng hóa, dịch vụ cứu trợ y tế. Tính đến ngày 16/4, Liên Hợp Quốc đã cấp được hàng viện trợ nhân đạo tới 6.000 người. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động cứu trợ ở Libya hiện còn thiếu khoảng 190 triệu USD.
Trước tình hình xung đột tại Tripoli không hề thuyên giảm, nhất là sau khi đạn pháo hạng nặng bắn liên tiếp vào khu vực đông dân ở thủ đô Tripoli của Libya suốt đêm 16/4 làm 14 người thiệt mạng và 40 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya, ông Ghassan Salame đã kêu gọi các phe phái giao tranh ở Libya ngừng tấn công, vì tính mạng của 3 triệu người dân đang sống ở thủ đô Tripoli.
Trong một thông cáo báo chí, Đặc phái viên Salame, người đồng thời là trưởng phái bộ Liên Hợp Quốc hỗ trợ Libya, lên án việc sử dụng vũ khí, chất nổ tấn công vào khu vực dân cư là tội ác chiến tranh. Ông kêu gọi các bên giao tranh tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và quyền con người, cũng như sự cần thiết phải tiến hành tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh xung đột leo thang tại Libya, hôm 17/4, Đức đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp về tình hình Libya. Theo phái bộ Đức, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến họp kín trong ngày hôm nay (18/4) để “thảo luận về những bước đi tiếp theo” tại Libya./.
Trung tâm thủ đô Tripoli bị nã pháo, chiến sự leo thang tại Libya