Chiến sự Trung Đông: Houthi tuyên bố tập kích nhiều chiến hạm Mỹ
VOV.VN - Nhóm vũ trang Al Houthi tại Yemen tối 20/2 tuyên bố đã tiến hành cuộc tập kích quy mô lớn với sự tham gia của nhiều máy bay không người lái, nhằm vào các tàu chiến của Mỹ tại khu vực Biển Đỏ và Biển Ả rập.
Trong một thông báo trên mạng xã hội X, người phát ngôn quân sự của Al Houthi, ông Yahya Saree đồng thời cho biết nhóm này còn tiến hành cuộc tấn công bằng một số tên lửa đối hạm nhằm vào một tàu của Israel trên Vịnh Aden thuộc Biển Đỏ. Thông báo khẳng định các cuộc tập kích đã đánh trúng các con tàu mục tiêu, nhưng không công bố thêm chi tiết.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo lực lượng hải quân nước này đã bắn hạ 2 máy bay không người lái trên khu vực Biển Đỏ. Theo thông báo, sáng sớm cùng ngày, hai tàu khu trục của Pháp được triển khai tại Biển Đỏ, đã phát hiện các máy bay không người lái có khả năng tấn công đa năng xuất phát từ Yemen và đã bắn hạ 2 chiếc. Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức triển khai lực lượng hải quân tới Biển Đỏ để đối phó với đe dọa từ các cuộc tấn công của nhóm Al Houthi nhằm vào tuyến hàng hải quốc tế tại đây.
Liên quan đến phản ứng của các quốc gia khu vực Trung Đông với việc Mỹ bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về kêu gọi thực thi lệnh ngừng bắn nhân đạo tức thì tại dải Gaza, Ai Cập và nhiều quốc gia A rập đã chỉ trích mạnh mẽ động thái của Mỹ. Trong một thông báo chính thức, Bộ Ngoại giao Ai Cập mô tả việc Mỹ bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết do nhóm các nước Ả Rập đệ trình là một tiền lệ đáng hổ thẹn trong lịch sử Hội đồng bảo an. Truyền thông chính thức của nhiều quốc gia A rập và Hồi giáo trong khu vực cũng chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ lần thứ 3 bỏ phiếu phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.
Dự thảo nghị quyết mới nhất kêu gọi ngừng bắn tại Gaza do Algeria, đại diện nhóm nước Ả Rập đệ trình, nhận được sự ủng hộ của 13/15 nước thành viên. Ngoài phiếu phản đối (phủ quyết) của Mỹ, dự thảo nghị quyết cũng không nhận được phiếu ủng hộ của Anh.