Chiến thắng ở Palmyra- bàn đạp cho Chính phủ Syria tại bàn đàm phán
VOV.VN - Chiến thắng ở Palmyra đã trở thành bàn đạp quan trọng giúp Chính phủ Syria chiếm ưu thế tại vòng đàm phán hòa bình ở Geneva vào đầu tháng 4.
Tuy nhiên, Chính phủ các nước phương Tây hầu như im lặng về chiến thắng này, thay vào đó tiếp tục phủ nhận vai trò của Tổng thống Bashar Al-Assad trong bất cứ kịch bản giải quyết khủng hoảng nào cho Syria.
Binh sĩ Syria cắm cờ trên thành cổ ở Palmyra. Ảnh AP
Trả lời phỏng vấn của báo chí Nga ngày 30/3, Tổng thống Syria Assad cho rằng, chiến thắng của quân đội Syria đang đẩy nhanh tiến trình hòa bình cho quốc gia trung Đông này.
Ông Assad khẳng định, chiến thắng này cũng đã chứng minh sự can thiệp của Nga vào Syria là để chống khủng bố chứ không phải để hậu thuẫn quân đội chính phủ như cáo buộc của phương Tây và phe đối lập.
Tổng thống Syria Assad chỉ ra rằng:“Vài ngày sau khi chúng tôi giải phóng Palmyra và nhiều thành phố khác, những nước đáng lẽ phải vui mừng về điều này lại không đưa ra quan điểm của họ về bước tiến này, đặc biệt là Anh và Pháp”.
Anh và Pháp là 2 nước đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Nga về việc tổ chức một cuộc bầu cử ở Syria để ông Assad có thể ra tranh cử. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond một lần nữa kêu gọi Nga nhất trí với những đề xuất cho một tương lai “hậu Assad” để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Ông Hammond nói: “Hiện có 2 thế lực đen tối ở Syria, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chính quyền của Tổng thống Assad. Nga đang ở trong vị thế rất khó khăn khi phải chiến đấu với một trong 2 thế lực này nhưng lại ủng hộ thế lực còn lại.
Nga càng sớm đưa ra được một đề xuất hợp lý cho phép chúng ta tiến tới một thời kỳ hậu Assad ở Syria thì các bên càng sớm đạt được sự đồng thuận để chấm dứt nội chiến tại quốc gia Trung Đông này và mọi người có thể tập trung vào cuộc chiến chống kẻ thù thực sự, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Palmyra mới chỉ là “thắng lợi nhỏ” trong cuộc chiến chống IS
Trong khi đó, Nga có thái độ "nước đôi" về tương lai của Tổng thống Assad, còn phía Mỹ không hoàn toàn phủ nhận phương án để ông Assad tiếp tục tranh cử.
Cả hai cường quốc này cũng đã thể hiện thiện chí nỗ lực xích lại gần nhau hơn để tìm kiếm một giải pháp chính trị khi nhất trí thúc đẩy việc đưa ra một dự thảo Hiến pháp mới cho Syria vào tháng 8 tới. Đây là thỏa thuận đạt được sau cuộc gặp hôm 24/ 3 vừa qua giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Phản ứng trước thông tin này, cố vấn cho Tổng thống Syria về chính trị và truyền thông Bouthaina Shaaban cho biết: “Không phải người Nga hay người Mỹ mà chỉ có người Syria mới có thể quyết định điều họ muốn. Nếu thực sự cần thiết phải thay đổi Hiến pháp, tiến trình này sẽ do người Syria thúc đẩy trong vòng 8 tháng. Chính phủ Syria sẵn sàng thay đổi hiến Pháp và tổ chức bầu cử Quốc hội nếu cần thiết”.
Tổng thống Assad cho biết, chính phủ Syria sẽ trình một dự thảo sơ khai của Hiến pháp mới trong vòng vài tuần tới, song ông cũng nhấn mạnh rằng văn bản này phải do người dân Syria bỏ phiếu thông qua.
Giới quan sát kỳ vọng, việc thúc đẩy soạn thảo Hiến pháp mới có lẽ là hướng đi tìm được nhiều điểm đồng thuận nhất vào thời điểm này, khi những vấn đề gai góc hơn như tương lai của ông Assad và thành phần chính phủ chuyển tiếp vẫn rất khó giải quyết./.