Chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan có thể khiến 125 triệu người thiệt mạng
VOV.VN - Chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, nếu nổ ra, có thể cướp đi sinh mạng của 125 triệu người chỉ trong một vài ngày.
Một nghiên cứu mới đây cho biết, chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan (nếu nổ ra) có thể cướp đi sinh mạng của 125 triệu người chỉ trong một vài ngày, vượt xa cả số người thiệt mạng trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 và gây ra cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Tên lửa Agni-V của Ấn Độ và tên lửa Shaheen II của Pakistan. Ảnh: RT. |
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Tiến bộ khoa học (Science Advances) ngày 2/10, ngoài dự đoán số người tử vong trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột như vậy, còn cho biết thêm chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan có thể khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh xuống mức tương đương nhiệt độ của kỷ Băng hà.
“Một cuộc chiến tranh như vậy không chỉ đe dọa những địa điểm vốn là mục tiêu của bom hạt nhân mà còn đe dọa toàn bộ thế giới”, Alan Robock - đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu khoa học môi trường tại trường Đại học Rutgers cho biết.
Mô phỏng trên máy tính chỉ ra rằng, mỗi vũ khí hạt nhân được kích nổ có thể “quét sạch” 700.000 người, trong khi vụ nổ sẽ phát tán nhiều bụi mịn và mảnh vụn vào bầu khí quyển, gây ra hiện tượng “mùa đông hạt nhân”, khiến nhiệt độ giảm nhanh, mùa màng bị thất bát và gây ra nạn đói quy mô lớn.
“Đây là một cuộc chiến tranh chưa từng có tiền lệ trong trải nghiệm của loài người”, ông Brian Toon, tác giả chính của nghiên cứu, người đưa ra thuật ngữ “mùa đông hạt nhân” trong khi làm việc với một nhóm các nhà nghiên cứu vào những năm 1980.
Theo nghiên cứu, Ấn Độ và Pakistan ở thời điểm hiện tại có tổng cộng khoảng 300 vũ khí hạt nhân, nhưng con số này có thể tăng lên đến 500 vào năm 2025. “Hy vọng Ấn Độ và Pakistan sẽ lưu ý đến nghiên cứu này”, ông Brian Toon cho hay./.