Chính phủ Afghanistan đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi Mỹ rút quân
VOV.VN - Bất chấp các cuộc hòa đàm lịch sử giữa lực lượng Taliban và chính quyền Afghanistan đang diễn ra, giao tranh và xung đột nghiêm trọng vẫn tiếp diễn.
Thực tế đáng lo ngại tại Afghanistan
Trong khi đó, việc Mỹ đang sốt sắng rút toàn bộ quân khỏi “vũng lầy” Nam Á càng khiến cho Afghanistan đứng trước một cuộc khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng.
Những chuyển động thời gian gần đây với tiến trình hòa bình tại Afghanistan rất đáng chú ý, với việc khởi động các cuộc hòa đàm trong nội bộ quốc gia Trung Nam Á này. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng mừng, mà nó đang cho thấy ra những nguy cơ đổ vỡ và bất ổn ở phía trước. Đó là khả năng bạo lực sẽ quay trở lại và sẽ là công cụ để đạt được quyền lực.
Trong khi đó, hy vọng về sự hòa giải và tiến trình dân chủ đang đứng trước nguy cơ đi vào ngõ cụt. Điều này cũng có nghĩa những bất ổn và nguy cơ xung đột đang hiển hiện ở phía trước.
Vì sao lại như vậy? Trước hết cần nhắc lại rằng bước ngoặt chính là thỏa thuận hòa bình mà lực lượng Taliban ký kết với chính quyền Mỹ hồi cuối tháng 2/2020 để tiến tới việc rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi lãnh thổ Afghanistan. Đây là một thỏa thuận lịch sử bởi lần đầu tiên, Taliban và Mỹ bỏ qua sự thù địch để cùng đàm phán và ký kết một thỏa thuận theo đúng yêu cầu của hai bên.
Phía Mỹ là chấm dứt sự hiện diện quân sự tốn kém tại chiến trường Afghanistan theo cam kết tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Phía Taliban là đạt được mục tiêu loại bỏ đối thủ lớn nhất, chướng ngại vật lớn nhất trên con đường trở lại nắm quyền lực và đưa đất nước Afghanistan trở lại với nền tảng Hồi giáo hà khắc.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là việc chính quyền được bầu ra một cách dân chủ ở Afghanistan – thể chế được cộng đồng quốc tế công nhận lại bị đặt ra ngoài khuôn khổ đàm phán và phải chấp nhận sự đã rồi- tức là kết quả do Mỹ và Taliban sắp đặt. Dù không chính thức thừa nhận nhưng chính quyền Kabul đang ở thế yếu hơn Taliban trong các vòng đàm phán nội bộ. Đó thực sự là điều nguy hiểm với thể chế dân chủ mà khó nhọc lắm mới có thể gây dựng được tại đây.
Việc Taliban đang trên đường đạt được các mục tiêu trong những tháng qua báo hiệu tương lai không mấy tốt đẹp. Thứ nhất, nhóm này vẫn chưa từ bỏ bạo lực như một cách để đạt được các mục tiêu chính trị. Cụ thể là các vụ tấn công vẫn tiếp diễn từ tháng 2 tới nay bất chấp cam kết kiềm chế để tạo điều kiện cho đàm phán hòa giải. Thứ hai, Taliban vẫn chưa từ bỏ tham vọng trở lại nắm quyền; và quan trọng hơn là áp đặt luật Hồi giáo hà khắc lên toàn bộ chính trường và đời sống xã hội ở Afghanistan. Điều này chẳng khác gì đưa Afghanistan trở lại cảnh hỗn loạn và bất công như 20 -30 năm trước.
Thách thức đối với chính quyền Kabul
Chính phủ dân bầu ở Afghanistan gần như được đặt vào vị trí phải chấp nhận bất cứ kết quả nào của thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban. Họ không được tham gia vào cuộc đàm phán, không được thông báo trước về các diễn biến thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, trong khi lại là một trong 3 bên có trách nhiệm xây dựng hòa bình tại Afghanistan.
Bởi vậy, họ rất bị động và trở nên yếu thế trong các cuộc đàm phán nội bộ hiện nay. Điều này được minh chứng rõ nét trong suốt tiến trình trao trả tù binh giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban những tháng qua. Chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani liên tục phải có những nhượng bộ trước sức ép của Taliban và Mỹ khi phải lần lượt phóng thích gần như toàn bộ 5.000 tù binh Taliban, để đổi lại việc lực lượng này ngồi vào bàn đàm phán. Và một báo cáo mới đây cho thấy, nhiều tay súng Taliban vừa được trả tự do đã quay lại cầm vũ khí để thực hiện các hành động khủng bố, tấn công.
Việc Taliban không chịu từ bỏ bạo lực, tiếp tục các hành động tấn công, là chỉ dấu cho thấy, tiến trình xây dựng niềm tin – cốt lõi nhất của hòa giải nội bộ Afghanistan rất khó có được kết quả thực chất. Hiện tại, Taliban đã tích lũy được tính chính danh và ít nhiều là khả năng chi phối, mặc cả với chính quyền Mỹ. Cái thế ‘ở cửa trên’ khiến chính phủ được bầu ở Afghanistan khó có thể gây sức ép mạnh trên bàn đàm phán để cân bằng lại các điều khoản thỏa thuận. Nói tóm lại, bạo lực vẫn đang được Taliban sử dụng như một trong những công cụ để giành lấy quyền lực và vị thế trong tương lai của Afghanistan.
Tương lai các trục quan hệ mới tại Afghanistan
Việc chính quyền Mỹ cấp tập hành động nhằm mục tiêu rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt không nằm ngoài toan tính tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Còn hệ quả của hành động này là gì với tương lai của hòa bình tại đây không hẳn là điều mà chính quyền Mỹ quan tâm.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu sáng suốt khi cho rằng Mỹ sẽ từ bỏ quốc gia có vị trí địa chiến lược này để các cường quốc khác thay thế. Bởi lẽ, nước Mỹ sẽ không dễ dàng ‘cho không’ công sức, tiền bạc của gần 20 năm theo đuổi cuộc chiến này. Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở đây, bằng cách này hay cách khác, tiếp tục duy trì ảnh hưởng tại Afghanistan để phục vụ các mục tiêu chiến lược của mình sau này. Mặt khác, cũng cần thấy rằng chính phủ Afghanistan vẫn đang phụ thuộc khá nặng vào viện trợ của Mỹ để duy trì nền kinh tế và bộ máy hành chính. Bởi vậy, chắc chắn sẽ không có chuyện Mỹ có thể dễ dàng ‘bỏ rơi’ quốc gia Trung Nam Á này.
Còn đối với sự can dự của các cường quốc khác như Nga hay Iran vào tình hình ở Afghanistan. Kịch bản này chắc chắn không thể diễn ra một sớm một chiều và tạo nên những thay đổi bất ngờ tại đây. Ví dụ, Nga giờ không còn nhiều lợi ích khi can dự ở Afghanistan. Bản thân Nga cũng đã rút ra nhiều bài học thất bại cay đắng khi đưa quân vào quốc gia Hồi giáo này hồi thập niên 1980. Còn về phần Iran, việc can dự vào tình hình Yemen cũng như bối cảnh đang phải chịu rất nhiều lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chắc chắn sẽ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo ít quan tâm hơn tới vấn đề Afghanistan./.