Chính phủ Italy đang lung lay

Ngoài những chỉ trích việc điều hành nền kinh tế kém hiệu quả, hình ảnh của ông Berlusconi còn bị tổn hại nghiêm trọng sau những bê bối tình ái mà ông vướng phải trong suốt 2 năm qua.

Chính phủ của Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đang lâm vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết sau khi 4 thành viên trong nội các đồng loạt từ chức.

Động thái này cho thấy những chia rẽ trên chính trường Italy là không thể hàn gắn và chiếc ghế quyền lực của ông Berlusconi một lần nữa lại lung lay.

Có thể nói rằng, Thủ tướng Italy Berlusconi đang đối mặt với thách thức “kép” khi phải lấp lỗ hổng lớn trong Chính phủ sau sự ra đi của 4 thành viên nội các, đồng thời phải bảo toàn vị trí quyền lực của mình tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp diễn ra trong vài tuần tới. Liệu ông Berlusconi có thể vượt qua 2 thử thách này? Mặc dù Thủ tướng Italy vẫn tỏ ra khá vững vàng và gạt đi bất cứ dư luận nào nghi ngờ tương lai chính trị của ông, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, những bất lợi thực tế đối với ông là rất lớn.

Việc 4 Bộ trưởng và Thứ trưởng từ chức chưa đủ sức lật đổ Chính phủ Italy, song cũng là loạt đòn mạnh giáng vào nội các vốn đã lung lay từ lâu. Với sự thiếu hụt này, ông Berlusconi sẽ càng khó khăn để xoay sở với hàng loạt những vấn đề hiện tại, như sự tụt dốc của nền kinh tế, khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, nợ công tăng cao lên mức kỷ lục gần 1.850 tỷ euro. Quan trọng hơn, sự ra đi của 4 thành viên nội các là phát súng hiệu cho sự rạn nứt không thể hàn gắn trên chính trường Italy.

Chủ tịch Hạ viện Fini từng là một cựu đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng Berlusconi giờ đây đã quay lưng lại với Chính phủ và gây sức ép với ông Berlusconi bằng việc rút các Bộ trưởng. Trên thực tế, ông Fini đã rời bỏ đảng Nhân dân Tự do (PDL) cầm quyền của Thủ tướng Berlusconi hồi tháng 7 vừa qua do những mâu thuẫn trầm trọng, dù đây là hai nhân vật đồng sáng lập đảng này 16 năm trước, kéo theo sự ra đi của 33 nghị sĩ khác trong Hạ viện và 10 nghị sĩ trong Thượng viện.

Mất đi sự ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội Fini, nghĩa là Thủ tướng Berlusconi không có đủ lá phiếu an toàn cho cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12 tới. Hiện nay ở Thượng viện, đảng Nhân dân tự do của ông Berlusconi còn giữ được thế đa số mong manh, còn tại Hạ viện thì số phận chính quyền Berlusconi sẽ phụ thuộc vào quyết định của các lực lượng đối lập trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Với những diễn biến vừa qua trên chính trường Italy, giới quan sát đưa ra 2 kịch bản cho tương lai của Italy. Thứ nhất, ông Berlusconi có thể tại nhiệm nhưng với một liên minh khác. Trong trường hợp không có đủ tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu "một mất một còn" này, ông Berlusconi sẽ buộc phải từ chức và nếu không tập hợp được một Chính phủ mới, Italy sẽ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Như vậy, những tuần tới sẽ tiếp tục là khoảng thời gian nặng nề và khó khăn đối với Thủ tướng Berlusconi và chính phủ của ông. May mắn liệu có tiếp tục lặp lại khi Chính phủ Italy vừa mới tránh được nguy cơ sụp đổ vào cuối tháng 9 vừa qua, sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà nội các vượt qua với số phiếu sít sao.

Trên thực tế, chưa bao giờ tỉ lệ ủng hộ của dân chúng Italy dành cho Thủ tướng Berlusconi lại xuống thấp như lúc này, hiện chỉ còn khoảng 26% so với thời kỳ đỉnh cao vào giữa năm 2009 là 53%. Có thể Thủ tướng Berlusconi vẫn tiếp tục năm giữ chiếc ghế quyền lực của mình sau cuộc bỏ phiếu, song việc lấy lại được lòng tin của người dân dường như là nhiệm vụ bất khả thi đối với nhà lãnh đạo này.

Tuy nhiên vào lúc này vẫn còn quá sớm để nói gì về tương lai của chính quyền Berlusconi. Dư luận sẽ phải chờ câu trả lời ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên