Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa trong vài tuần
VOV.VN -Việc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tiếp tục bất đồng sẽ khiến Chính phủ liên bang khó có thể sớm mở cửa trở lại.
Ngày 1/10, bế tắc chính trị khiến phần lớn các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã khiến hàng trăm nghìn người làm việc trong các cơ quan công quyền của Mỹ phải tạm thời nghỉ việc. Và nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ phải tiếp tục đóng cửa ngày thứ 2 liên tiếp.
Theo ước tính, có khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải tạm thời nghỉ việc vô thời hạn, Tổng thống Obama đã lên tiếng kêu gọi đảng Cộng Hòa nhượng bộ để thông qua luật cải cách hệ thống bảo hiểm y tế và ngừng “giữ toàn bộ nền kinh tế Mỹ làm con tin”.
Đài tưởng niệm Tổng thốngLincoln, một điểm đến ưa thích của du khách khi đến thăm nước Mỹ bị đóng cửa (Ảnh: AP) |
Trong một tuyên bố tại Vườn Hồng, Tổng thống Obama cho rằng, người dân Mỹ dù ủng hộ đảng nào cũng đều được hưởng lợi từ những cải cách của Chính phủ. Ông Obama nói: “Họ đã đóng cửa Chính phủ bằng một cuộc chiến ý thức hệ để phản đối luật cải cách hệ thống bảo hiểm y tế phục vụ cho hàng triệu người dân Mỹ".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói: “Tổng thống không đề cập đến toàn bộ câu chuyện liên quan đến việc đóng cửa Chính phủ. Thực tế là đảng Dân Chủ đã không đoái hoài đến việc Chính phủ bị đóng cửa bằng chứng là họ đã từ chối tham gia đàm phán”.
Người ta có thể chứng kiến được những tác động của việc Chính phủ bị đóng cửa bên ngoài các cơ quan công quyền của Chính phủ ở Washington khi hàng nghìn nhân viên liên bang đổ ra khỏi các tòa nhà ngay sau 11h sáng bởi giờ làm việc tối đa của họ hiện bị rút ngắn chỉ còn 4 tiếng/ ngày.
Trong khi đó, khách du lịch cũng không thể đến thăm các bảo tàng lớn ở Washington vì phần lớn đã bị đóng cửa. Đài tưởng niệm và dinh thự của Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ cũng không được thắp sáng và chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống.
Tình hình tương tự cũng diễn ra trên khắp nước Mỹ. Ở New York, tượng Nữ thần Tự do cũng đã bị đóng cửa. Các địa điểm du lịch khác như Grand Canyon, Yosemite và công viên quốc gia Yellowstone cũng ở trong tình trạng tương tự.
Các cơ quan thu thuế, sở Thuế Vụ sẽ đình chỉ kiểm toán. Hầu hết các nhân viên của Nasa cũng đã bị cho nghỉ phép để tiết kiệm nguồn ngân sách ít ỏi. Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết, họ sẽ phải cắt giảm việc thăm khám 200 ca bệnh 1 tuần, trong đó có ít nhất 30 ca là trẻ em.
Nhưng có lẽ khoảnh khắc khiến Quốc hội Mỹ phải cảm thấy hổ thẹn nhất, đó là việc một nhóm các cựu chiến binh cố gắng để tiếp cận một đài tưởng niệm chiến tranh bị đóng cửa ở Washington.
Chính phủ Mỹ không thể mở cửa trở lại trong một sớm một chiều
Bất chấp những hệ lụy xấu đã, đang và có thể sẽ xảy ra, vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện. Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại Hạ viện khẳng định sẽ tiếp tục cản trở việc thông qua luật cải cách hệ thống bảo hiểm y tế trong khi đó đảng Dân chủ tại Thượng viện vẫn cương quyết từ chối tham gia đàm phán nếu bị gây sức ép.
Cả 2 bên đều đổ lỗi cho nhau về việc Chính phủ liên bang bị đóng cửa mặc dù đã xuất hiện một số rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa, đặc biệt là tại Thượng viện. Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, công chúng Mỹ cho rằng đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm cho việc đóng cửa Chính phủ.
Các cựu chiến binh Mỹ chụp ảnh lưu niệm ở đài tưởng niệm Thế chiến thứ II (Ảnh: Getty Images) |
Điều đáng ngại hơn, theo tiết lộ của một nghị sĩ cấp cao trong đảng Cộng hòa, căng thẳng giữa 2 đảng trong Quốc hội Mỹ có thể kéo dài vài tuần, đặc biệt là khi 2 đảng vẫn còn những bất đồng liên quan đến trần nợ.
Trả lời các phóng viên, Nghị sĩ Paul Ryan của đảng Cộng hòa cho biết: “Chúng tôi cho rằng trần nợ là cơ chế bắt buộc. Đó là những gì chúng tôi nghĩ rằng sẽ đưa 2 đảng đến gần với nhau”.
Thực tế, vấn đề nợ công và trần nợ ở Mỹ không đơn thuần là chuyện thiếu nguồn tài chính thật sự, mà là biểu hiện rõ rệt của bất đồng về chính trị và lợi ích, và là công cụ để chính phủ và Quốc hội kiểm soát lẫn nhau hoặc để mặc cả về các vấn đề khác.
Vì thế, các cuộc thương thảo gần đây về nâng trần nợ công thật sự là một cuộc chiến giữa Chính phủ của Tổng thống Obama của đảng Dân chủ với các nghị sĩ phe Cộng hòa chiếm ưu thế tại Quốc hội. Mấu chốt trong cuộc giằng co liên quan chính sách thuế và chi tiêu của chính phủ.
Ðể nâng trần nợ, đảng Cộng hòa đòi Tổng thống giảm thuế và cắt giảm chi tiêu, trong khi ông Obama chủ trương tăng thuế áp với nhóm người giàu và tăng chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.
Tổng thống đổ lỗi cho các nghị sĩ Cộng hòa đặt điều kiện phi lý làm bế tắc các cuộc đàm phán về vấn đề nợ. Ông Obama khẳng định sẵn sàng thương lượng vấn đề thuế, nhưng Quốc hội phải chấp thuận ngân sách bảo đảm đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hoạt động của Chính phủ.
Mặc dù những bất đồng giữa 2 đảng trong Quốc hội Mỹ đã âm ỉ và nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa đã hiện hữu trong vài tuần qua nhưng việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần lần đầu tiên kể từ năm 1996 đã khiến không ít người ở Washington bất ngờ.
Một số nhân viên liên bang cho rằng, họ không bao giờ nghĩ đảng Cộng hòa lại hiện thực hóa lời đe dọa của họ. Tác động của việc Chính phủ bị đóng cửa cũng có thể được nhìn thấy khi các sân chơi của trẻ em xung quanh Capitol Hill, các nhà hàng phục vụ nhân viên Chính phủ, một số trang web và trang mạng xã hội của Chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa.
Lisa Long, 45 tuổi, một kỹ sư cho biết: “Chẳng còn ý nghĩa gì khi chúng tôi có thể quay trở lại. Mọi người đã suy sụp tinh thần và thậm chí có người còn vô cảm khi sự việc xảy ra”.
Monique Tribbett, một chuyên gia công nghệ thông tin nói: “Tôi đang cố gắng kêu gọi mọi người phản đối. Không chỉ là những người cùng bộ phận với tôi mà là tất cả mọi người bị ảnh hưởng vì việc Chính phủ bị đóng cửa. Nếu tất cả chúng tôi cùng tập trung trước tòa nhà Quốc hội để phản đối, họ có thể bắt đầu lắng nghe chúng tôi. Nhưng dường như không ai muốn làm điều này”./.