Chính phủ Séc cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng
VOV.VN - Theo dự luật, quy định có thể có hiệu lực từ ngày 1/7 và sẽ áp dụng cho ngân sách của năm 2024. Điều này có nghĩa là Séc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hiện tại thêm gần 1 tỷ USD vào năm tới.
Trong một nỗ lực nhằm sớm đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng theo cam kết trong NATO, Chính phủ Séc hôm 4/1 đã thông qua một dự luật quân sự, trong đó xác định việc chi tiêu cho quốc phòng ở mức 2% GDP hàng năm là mức tối thiểu.
Theo Thủ tướng Fiala, quy định này tạo điều kiện tốt hơn cho việc hiện đại hóa quân đội. Điều này cũng đồng nghĩa một nội dung trong chương trình hành động mà Chính phủ liên minh đã tuyên bố khi thành lập sẽ được hoàn thành sớm.
Một trong những nội dung đáng chú ý do Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cernochova đề xuất là đảm bảo nghĩa vụ chi 2% GDP của Séc hàng năm cho quốc phòng.
Theo dự luật, quy định có thể có hiệu lực từ ngày 1/7 và sẽ áp dụng cho ngân sách của năm 2024. Điều này có nghĩa là Séc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hiện tại thêm gần 1 tỷ USD vào năm tới. Mặc dù Séc chỉ chi 1,52% GDP cho quốc phòng trong năm nay, nhưng mục tiêu 2% sẽ đạt được vào năm 2024 sau khi dự luật được thông qua tại quốc hội.
Theo dự luật, một số quy tắc cũng được điều chỉnh bao gồm việc tiếp cận một số cơ sở dữ liệu quan trọng. Cụ thể, một đơn vị chuyên môn của Bộ nhưng dưới sự kiểm soát của Quốc hội có thể được ủy quyền thu thập dữ liệu về các mục tiêu tiềm năng ngay cả trước khi các trạng thái này được ban bố.
Sự thay đổi này cũng nhằm mục đích cho phép những người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự nộp đơn tự nguyện vào thời điểm không có mối đe dọa nào đối với nhà nước hoặc tình trạng chiến tranh.
Do đó, nhà nước có thể kêu gọi họ thực hiện các cuộc tập trận khẩn cấp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Theo Bộ quốc phòng, các quy định hiện nay không cho phép Bộ này chuẩn bị hiệu quả cho việc phòng thủ vào thời điểm tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc tình trạng chiến tranh chưa được ban bố.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cernochova cũng công bố kế hoạch thay đổi nguồn tài chính cho các dự án chiến lược của quân đội để đảm bảo nguồn tài chính và sự ổn định lớn hơn. Theo đó, Chính phủ sẽ quyết định các cuộc đấu thầu dài hạn, có tác động lớn đến khả năng phòng thủ của đất nước và có ngân sách trên 2,3 triệu USD. Nếu được thông qua, Bộ Quốc phòng sẽ có một khoản tiền hàng năm dành cho các dự án chiến lược, số tiền này sẽ được sử dụng khi cần thiết và dựa trên việc ký kết các hợp đồng trong suốt vòng đời của các dự án.
Các thành viên NATO đã đồng ý vào năm 2014 cam kết thực hiện mục tiêu chi tiêu 2% vào năm 2024. Hiện tại, chỉ có 9 trong số 30 thành viên của liên minh đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu đó. Séc đã nhiều lần cam kết điều này và Liên minh chính phủ muốn thực hiện cam kết muộn nhất là vào năm 2025./.