Chính phủ Syria vẫn vững vàng sau 1 năm bất ổn

Những diễn biến gần đây cho thấy, không dễ để các nước phương Tây và Arab có thể thay đổi chế độ tại Syria.

Một năm đã trôi qua kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad dường như vẫn đứng vững khi phải đối mặt với áp lực gia tăng từ phương Tây và Liên đoàn Arab (AL). Điều này được thể hiện ở hình ảnh hàng triệu người dân Syria đã đổ về các khu vực trung tâm của thủ đô Damascus ngày 15/3 để bày tỏ sự ủng hộ của họ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông al-Assad vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Syria (Ảnh: Reuters)
Một năm của áp lực, cô lập và trừng phạt không ngừng

Hơn một năm qua, Syria đã trở thành mục tiêu của một số nước Arab và phương Tây. Sự cô lập chặt chẽ đã được áp đặt lên quốc gia này đi kèm với những lệnh cấm vận ngày càng tăng nhắm đến tất cả những lĩnh vực quan trọng của Syria.

Phương Tây và Liên đoàn Arab đã tiến hành các biện pháp nhằm lay chuyển nền kinh tế Syria, phá vỡ mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực thương mại và chính quyền. Liên đoàn Arab cũng quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria, đồng thời hỗ trợ cho phe đối lập ở nước này.

Các lệnh trừng phạt và cô lập ở một mức độ nào đó đã gây khó khăn cho cuộc sống của người dân Syria. Giá cả của hầu hết các mặt hàng đã tăng vọt, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và đồng tiền Syria mất giá.

Hiện tại, tỷ giá hối đoái là 1 USD ăn 100 bảng Syria, tiếp tục trượt giảm so với mức 1 USD ăn 79 bảng vài ngày trước đây. Theo ước tính, các biện pháp trừng phạt đã khiến đồng bảng Syria mất hơn 50% giá trị so với đồng USD trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, rất có thể sau khi nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh thân cận là Iran, chính phủ Syria sẽ điều chỉnh và thành công trong việc duy trì giá trị của đồng tiền nước này trong những ngày tới.

Syria cáo buộc các nhóm vũ trang gây bất ổn

Syria cho rằng đang có một âm mưu chống lại nước này được hỗ trợ từ một số cường quốc Arab và các nước châu Âu bởi mối quan hệ chặt chẽ của Syria với Iran và các lực lượng đối lập khác trong khu vực.

Syria cũng cáo buộc rằng, những nước trên đã chuyển tiền và vũ khí cho phe đối lập Syria, đồng thời tuyên bố rằng, các nhóm vũ trang đã giết chết hàng ngàn binh sĩ, nhân viên an ninh và cảnh sát trong năm qua.

Sau khi thất bại trong các cuộc đàm phán với phe đối lập, chính phủ Syria phải viện đến một giải pháp quân sự. Giải pháp này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của quốc tế và các mối đe dọa trừng phạt nhằm vào nước này.

Cuộc tấn công kéo dài ba tuần của quân đội Syria vào khu vực Baba Amr ở thành phố Homs - nơi được coi như là một thành trì của phe đối lập đã tạo lợi thế cho chính phủ Syria trong cuộc đối đầu với các lực lượng đối lập được sự hậu thuẫn từ nước ngoài.

Trong cuộc tấn công này, Chính phủ Syria cho biết đã tiêu diệt và bắt giữ hàng chục kẻ khủng bố, đồng thời khôi phục sự bình yên ở khu vực bất ổn này. Các cuộc tấn công của quân đội Syria cũng được triển khai sang phía bắc nhằm tìm kiếm và tiêu diệt các lực lượng phiến quân. 

Phe đối lập thất bại trong việc liên minh chống lại al-Assad

Tháng 8/2011, phe đối lập lưu vong của Syria đã cố gắng để tập hợp các phe phái chống đối tại Syria với danh nghĩa là Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) để tạo thành một lực lượng thống nhất chống lại chính phủ của Tổng thống al-Assad. Tuy nhiên, Hội đồng này nhanh chóng bị chia rẽ do những tranh cãi và sự khác biệt giữa các thành viên.

Ngày 14/3, hai nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng cho biết họ đã bỏ SNC. Ngày càng có nhiều người đưa ra khả năng từ bỏ Hội đồng mà một số các thành viên mô tả là "độc đoán".

Sự rạn nứt trong nội bộ là một đòn giáng nặng vào những nỗ lực của phe đối lập, đồng thời phần nào củng cố thêm tầm vóc của chính phủ Syria tại khu vực Arab và quốc tế.

Trước những diễn biến đó, sự chú ý hiện đang dần chuyển sang lựa chọn các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Luai Hussain, người đứng đầu của phe đối lập nhóm "Xây dựng Nhà nước Syria” nói rằng, đây là khoảng thời gian để đạt được một giải pháp chính trị thỏa đáng cho tất cả các bên. Ông Hussain nói với Tân Hoa xã rằng, tầng lớp trí thức cần có một vai trò lớn hơn trong việc đưa Syria phát triển theo hướng dân chủ.

Trong chuyến thăm Syria, ông Kofi Annan, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab đã tiết lộ rằng, Tổng thống Assad đã quyết tâm tiêu diệt các phần tử nổi dậy cũng như chuẩn bị để bắt đầu các cuộc đối thoại.

Ông Annan không ám chỉ đến khả năng thay đổi chế độ tại Syria và cho biết nhiệm vụ của mình được giới hạn trong phạm vi thuyết phục các nhà lãnh đạo Syria chấm dứt bạo lực và tiến hành các cuộc đàm phán với phe đối lập.

Trong khi đó, Tổng thống al-Assad đã bác bỏ khả năng đàm phán với nước ngoài và tiết lộ rằng, những việc Damascus sẵn sàng làm cách đây vài tháng đã không còn là lựa chọn trong thời điểm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh nước này bị khối Arab bỏ rơi và các nước phương Tây công khai ý định lật đổ chính phủ Syria bằng vũ lực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên