Chính phủ Ukraine đối mặt với sức ép từ nhiều phía
VOV.VN - Ngoài sức ép từ phe đối lập, Mỹ và EU cũng đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt, nếu Ukraine không cải thiện được tình hình.
Chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đang phải đối mặt với sức ép ở cả trong nước và ngoài nước khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ biến thành bạo lực vào ngày thứ 2 liên tiếp.
Mỹ và một số nước phương Tây cảnh báo sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này nếu bạo lực tiếp diễn. Theo một số nguồn tin, các cuộc đàm phán (theo kế hoạch diễn ra hôm 20/1) giữa Chính phủ và lãnh đạo đối lập đã không thể diễn ra.
Trong 2 ngày 19 và 20/1 những người biểu tình ở thủ đô Kiev đã liên tiếp có các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động (Ảnh: EPA) |
Hôm qua (20/1), những người biểu tình chống Chính phủ đã tiếp tục đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Kiev. Hơn 200 người bị thương sau các vụ đụng độ, bao gồm cả lực lượng cảnh sát và người biểu tình. Một số nhân chứng cho hay, có nhiều tiếng nổ lớn trong các vụ đụng độ.
Kênh CCTV của Trung Quốc đưa tin, có nhiều người tham gia hơn trong các vụ đụng độ với cảnh sát vào sáng 20/1, một số người ném đá, chai lọ vào hàng rào cảnh sát. 6 phương tiện giao thông của cảnh sát bị lực lượng biểu tình đốt cháy. Lực lượng cảnh sát cũng làm hàng rào chắn người bảo vệ các lối đi vào dẫn tới dinh thự Tổng thống và các tòa nhà Quốc hội. Theo Bộ Nội vụ Ukraine, cảnh sát đã bắt giữ 31 người.
Một số báo cáo cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Vitaliy Zakharchenko đã kí một dự luật vào chiều 20/1, cho phép cảnh sát chống bạo động sử dụng vũ khí khi cần thiết. Những thông tin này gây thêm lo lắng tình hình có thể xấu hơn trong mấy ngày tới.
Cũng trong ngày 20/1, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hôm qua cũng ra tuyên bố kêu gọi người biểu tình dừng bạo lực vì điều này đang ảnh hưởng đến chính cuộc sống của người dân Ukraine, gây thiệt hại trực tiếp đến kinh tế.
Nhằm giành lợi thế đang đạt được trên các đường phố, lực lượng đối lập hôm qua cảnh báo, ông Yanukovych không nên "câu giờ" với hy vọng người biểu tình sẽ “thay đổi lập trường”.
Không chỉ đối mặt với sức ép của những người biểu tình trong nước, Mỹ và một số nước Liên minh châu Âu cũng đã cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ukraine nếu bạo lực tiếp diễn.
Mặc dù không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ) hôm 20/1, nhưng vấn đề Ukraine cũng được đưa ra bàn thảo. Phát biểu sau cuộc họp, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherin Caston kêu gọi các nhà lãnh đạo Ukraine tìm kiếm đối thoại với lực lượng đối lập.
Bà Catherine Ashton nói: “Chúng tôi hết sức lo ngại về việc Quốc hội Ukraine đã ký ban hành thông qua việc sửa đổi luật tuần trước, giới hạn đáng kể một số hoạt động của người dân Ukraine. Chúng tôi hối thúc chính quyền sửa đổi luật này và phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như của Liên minh châu Âu”.
Bà Ashton nói thêm: “Chúng tôi cũng lo ngại về tình hình gần đây ở Ukraine. Điều quan trọng là tất cả các bên cần phải tham gia vào một cuộc đối thoại toàn diện để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay".
Phát biểu bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và Ngoại trưởng Litva, Linas Linkevicius cũng khẳng định, Liên minh châu Âu có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt Ukraine nếu như nước này không ngăn chặn được tình trạng bạo lực hiện nay, mặc dù hiện giờ chưa có bất kì cuộc thảo luận nào được tổ chức về vấn đề này.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, trên thực tế, các nước Liên minh châu Âu sẽ rất khó để nhất trí các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ukraine vì 2 bên vẫn đang để ngỏ cơ hội đàm phán ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu. Mỹ trước đó cũng bày tỏ lo ngại về tình hình Ukraine, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Đông Âu này.
Các cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Ukraine biến thành bạo lực sau khi Tổng thống Yanukovych ký ban hành một loạt điều luật sửa đổi, theo đó quy định hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi tổ chức các vụ gây mất trật tự tập thể, phong tỏa và chiếm các trụ sở hoặc cơ sở bảo đảm hoạt động của cơ quan chính quyền./.