Chính quyền Biden: Cần một chiến lược toàn diện nhằm đối phó thách thức từ Trung Quốc
VOV.VN - Với việc công bố chương trình nghị sự thương mại của mình, chính quyền Tổng thống Biden cam kết sử dụng thuế quan và các biện pháp khác nhằm ứng phó với các hoạt động thương mại được cho là không công bằng của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 01/3 cho biết sẽ sử dụng mọi công cụ hiện có để ứng phó với các hành động thương mại được cho là không công bằng của Trung Quốc. Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nước này đang tiến hành rà soát toàn diện chính sách thương mại của mình đối với Trung Quốc.
Với việc công bố chương trình nghị sự thương mại của mình, chính quyền Tổng thống Biden cam kết sử dụng thuế quan và các biện pháp khác nhằm ứng phó với các hoạt động thương mại được cho là không công bằng của Trung Quốc. Các hoạt động của Trung Quốc bao gồm trợ cấp đối với một số ngành công nghiệp được ưu ái và sử dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.
Chính quyền Biden cho rằng các hành động thương mại không công bằng của Trung Quốc làm phương hại tới người lao động Mỹ, đe dọa sự cạnh tranh công nghệ của Mỹ, làm yếu chuỗi cung ứng và cản trở lợi ích quốc gia của Mỹ. Do đó, chính quyền Biden nhấn mạnh, giải quyết thách thức Trung Quốc sẽ cần có một chiến lược toàn diện và một cách tiếp cận có hệ thống.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận thương mại kêu gọi Trung Quốc gia tăng thu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong vòng 2 năm, mở cửa thị trường tài chính của mình và giảm sức ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.
Kể từ khi thỏa thuận được ký hơn 1 năm trước, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện mục tiêu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, một phần là do các ảnh hưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Các biện pháp thuế quan đối với 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì và dự kiến sẽ tiếp tục được sử dụng bởi chính quyền Tổng thống Biden nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Theo quy định của Mỹ, Quốc hội yêu cầu Tổng thống ban hành chương trình nghị sự thương mại và báo cáo hàng năm nhằm giải thích chi tiết chính sách thương mại của mình.
Trong báo cáo của mình, chính quyền Tổng thống Biden cho biết các đối tác thương mại sẽ không được phép đạt được ưu thế cạnh tranh bằng cách vi phạm quyền của người lao động và theo đuổi các hành động thương mại không công bằng. Chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh sẽ chống lại thao túng tiền tệ bởi các quốc gia tìm cách đạt được ưu thế thương mại thông qua nỗ lực chung giữa Văn phòng Đại diện thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng chính sách thương mại của mình là một phần quan trọng trong các ưu tiên chính sách của Tổng thống Biden bao gồm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo khôi phục kinh tế. Trọng tâm của chương trình nghị sự thương mại của chính quyền Tổng thống Biden sẽ là đảm bảo nước Mỹ có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng y tế công cộng trong tương lai và phát triển và thực hiện các chuỗi cung ứng sản xuất thông qua đầu tư trong nước và sáng tạo.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng phối hợp chặt chẽ với các đồng minh nhằm khôi phục lại sự lãnh đạo của Mỹ trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề về lao động, biến đổi khí hậu và các hoạt động thương mại không công bằng. Mỹ sẽ tái can dự với Tổ chức Thương mại thế giới để thực hiện các cải cách cần thiết.
Katherine Tai, người được Tổng thống Biden đề cử làm Đại diện thương mại Mỹ đang đợi Thượng viện chuẩn thuận cho vị trí này. Trong phiên điều trần tuần trước, bà Katherine Tai nhấn mạnh sẽ tìm hiểu mọi giải pháp có thể để giải quyết các mối quan ngại lâu dài đối với việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuê và hạn chế tiếp cận thị trường./.