Chủ đề trọng tâm trong cuộc gặp Mỹ- Trung và những kỳ vọng
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng có thể giảm căng thẳng trong mối quan hệ song phương tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng ông cho biết sẽ thẳng thắn chia sẻ về các mối quan ngại của Mỹ, bao gồm vấn đề Đài Loan và nhân quyền với Trung Quốc tại cuộc gặp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng có thể giảm căng thẳng trong mối quan hệ song phương tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng ông cho biết sẽ thẳng thắn chia sẻ về các mối quan ngại của Mỹ, bao gồm vấn đề Đài Loan và nhân quyền với Trung Quốc tại cuộc gặp. Bên cạnh nội dung trao đổi về quan hệ song phương, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ thảo luận về vấn đề Ucraina, Triều Tiên. thương mại, mối quan hệ với các nước khác trong khu vực.
Những gì tôi muốn làm khi chúng tôi có cuộc trao đổi là vạch ra lằn ranh đỏ của mỗi bên, hiểu những gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin là lợi ích quốc gia quan trọng của Trung Quốc, những gì mà tôi tin là lợi ích quan trọng của Mỹ, để xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không. Và nếu xung đột, thì làm thế nào để giải quyết điều đó"-Tổng thống Biden nhấn mạnh,
Mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh cường quốc ngày càng gay gắt, Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau về mọi vấn đề lớn, từ Đài Loan, xung đột Ukraine, Triều Tiên, chuyển giao công nghệ cho đến việc định hình trật tự thế giới. Có lẽ điểm chung thực sự duy nhất mà hai bên chia sẻ trước thềm cuộc gặp là những kết quả khiêm tốn có thể đạt được.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden muốn cuộc gặp nhằm “xây dựng một nền tảng” cho mối quan hệ hai bên– nói cách khác, để ngăn mối quan hệ này rơi tự do vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Mục tiêu chính của cuộc đối thoại không phải là đạt được thỏa thuận hay kết quả, hai nhà lãnh đạo sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào sau đó, mà là để hiểu rõ hơn về các ưu tiên của nhau và giảm bớt những hiểu lầm. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng khẳng định, cuộc gặp khó có thể dẫn đến bất kỳ bước đột phá lớn hoặc thay đổi đáng kể nào trong mối quan hệ song phương.
Ngay trước thềm đối thoại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Mỹ: “ Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ về cơ bản là hai bên cùng có lợi. Mỹ cần ngừng chính trị hóa, vũ khí hóa, công cụ hóa các vấn đề thương mại và ý thức hệ, và có những hành động thực sự để bảo vệ các quy tắc của kinh tế thị trường và hệ thống thương mại quốc tế”
Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung Quốc đã có các cuộc điện đàm nhiều lần kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm ngoái, nhưng không thể đảo ngược và mối quan hệ đang trên đà đi xuống giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng sẽ là một "kỳ vọng quá lớn" nếu tin rằng cuộc gặp có thể dẫn đến bất kỳ sự cải thiện đáng kể và lâu dài nào trong quan hệ song phương. Trung Quốc và Mỹ đang ở trong tình trạng gần như cạnh tranh và đối đầu hoàn toàn, do đó không có nhiều khả năng các vấn đề lớn có thể thực sự được làm sáng tỏ chỉ sau một cuộc gặp.
Tuy vậy cũng có những tiếng nói lạc quan hơn khi cho rằng nếu lãnh đạo Mỹ- Trung có thiện chí chính trị, cuộc gặp ở Bali trên thực tế có thể mang lại cam kết mở nhiều kênh liên lạc hơn. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, Trung Quốc đã cắt ba kênh đối thoại và đình chỉ hợp tác trong 5 lĩnh vực khác, bao gồm cả biến đổi khí hậu với Mỹ.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, Mỹ và Trung Quốc vốn đã có nhiều bất đồng từ trước đến nay . Tuy nhiên thiếu các kênh đối thoại trực tiếp khiến cho việc giải quyết những vấn đề đó gần như không thể. Nếu hai nhà lãnh đạo có thể cân nhắc mở rộng các cuộc đối thoại về kinh tế và thương mại … sẽ tạo tiền đề giải quyết những bất đồng khác giữa hai quốc gia.
Dư luận thế giới đang chờ đợi diễn biến và kết quả của cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, vì có thể thấy được chiều hướng diễn biến của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại của đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden./.