Chủ tịch Cuba chuẩn bị thăm Nga

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, Đại tướng Raul Castro, sẽ thăm Liên bang Nga tuần này.

Chuyến thăm Nga diễn ra ngay sau khi ông Raul Castro thăm chính thức Trung Quốc và Việt Nam.

Hãng thông tấn ITAR-TASS của Nga không tiết lộ nội dung chi tiết chuyến thăm nhưng cho biết trước đây, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro từng thăm chính thức Nga với tư cách người đứng đầu Nhà nước hồi tháng 1/2009.

Trước khi đến Việt Nam, ông Raul Castro cũng đã thăm Trung Quốc trong thời gian 4 ngày để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh Cuba đang dần thúc đẩy các biện pháp chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.  

Theo đánh giá của giới phân tích, mục đích chuyến đi lần này của Đại tướng Raul Castro là nhằm “trải nghiệm” những tiến bộ thực sự đang diễn ra nhanh chóng ở Nga, Trung Quốc và Việt Nam nhờ việc đưa thêm các yếu tố kinh tế thị trường vào công tác quản lý và vận hành nền kinh tế.

Chủ tịch Raul (trái) trong chuyến thăm Việt Nam và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Khác với các nước ở khu vực Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam tiến hành những hoạt động cải cách sâu sắc mà vẫn duy trì được bản sắc chủ nghĩa xã hội. Đây chính là điều Cuba đang muốn hướng tới”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Cuba, ông Omar Everleny, cho biết.

Trong nhiều năm qua, bất chấp những ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, kinh tế Trung Quốc và Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ở mức xấp xỉ 2 con số. Trong khi tỷ lệ này ở Cuba chỉ là 3%.

“Trung Quốc và Việt Nam làm được nhờ thực tiễn. Họ đưa vào sử dụng ngày càng nhiều các công cụ thị trường, nhưng chọn cách đưa từ từ chứ không dùng liệu pháp sốc”, ông Everleny đánh giá.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Cuba không nên sao chép nguyên bản mô hình của Việt Nam và Trung Quốc. Thay vào đó, Cuba nên học hỏi kinh nghiệm từ cả hai mô hình này. Cụ thể, Cuba phải xác định rõ nên bắt đầu thay đổi từ đâu và thay đổi như thế nào, với độ mở ra sao.

“70% đầu tư ở Trung Quốc là của người Hồng Kông. Cộng đồng hải ngoại có đóng góp rất lớn cho việc tái thiết ở cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam”, ông Everleny nhận định.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba, cả Trung Quốc và Việt Nam đều bắt đầu cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba. Trong khi Việt Nam cũng đã chuyển mình thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới và là nhà cung cấp gạo chính cho Cuba.

Hiện Cuba đang có hơn 1 triệu người sinh sống ở Hoa Kỳ. Hầu hết trong số này có rất ít cơ hội được trở về nước cũng như được đầu tư phát triển kinh tế trong nước do lệnh cấm vận của Mỹ và một phần do chính sách đóng cửa trước đây của Cuba.

Nhưng từ khi quốc gia Caribbean này bắt đầu hé mở kinh tế, cho phép công dân mua bán ô tô, địa ốc và mở nhà hàng lớn hơn, phần lớn số tiền dành cho các hoạt động này là do kiều dân từ nước ngoài gửi về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên