Chủ tịch Ủy ban châu Âu tổn thương vì bị phân biệt đối xử giới tính ở Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Sự cố phân biệt đối xử giới tính (trọng nam khinh nữ) xảy ra với nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Bà này cho rằng điều này chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU cần giải quyết vấn đề phân biệt đối xử đó.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay, sự cố ngoại giao nói trên (xảy ra trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan) khiến bà cảm thấy tổn thương và lẻ loi. Bà tuyên bố mình bị đối xử tệ hại chỉ vì bà là một phụ nữ.
Vụ bê bối “Sofagate” (nói nhại theo vụ Watergate) xảy ra vào ngày 6/4/2021, khi bà Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara để thảo luận về vấn đề làm hạ nhiệt căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng kỳ cục là chỉ có 2 chiếc ghế được bày ra ở phía trước cờ của EU và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi có tới 3 nhà lãnh đạo.
Ông Michel nhanh chóng ngồi lên chiếc ghế lẻ còn lại cạnh ông Erdogan, khiến bà Leyen ở vào trạng thái khó chịu thấy rõ khi phải chuyển về ngồi ở ghế sofa cách xa 2 lãnh đạo nam.
Trước khi phải ngồi lên ghế sofa, bà Leyen vẫn nhìn trân trân vào hai đấng nam giới đã ngồi, gương mặt lộ vẻ bất an.
Bà Leyen sau đó nói với các nhà làm luật của EU: “Tôi là người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Dù gì tôi vẫn là Chủ tịch Ủy ban châu Âu và đây là điều tôi đã mong đợi khi đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 tuần. Nhưng cuối cùng thì...”.
Chủ tịch EC Leyen không công khai đổ lỗi về sự cố trên cho ông Erdogan hay ông Michel nhưng bà nói rằng bà thấy không hề thiếu ghế trong các cuộc họp tương tự trong quá khứ. “Tôi cảm thấy bị tổn thương, bị lẻ loi, với tư cách một phụ nữ và với tư cách một người châu Âu”.
Bùng phát tranh cãi về vụ “Sofagate” này
Vụ việc trên đã gây ra các cuộc tranh cãi về thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phụ nữ và EU, tình trạng phân biệt đối xử giới tính ở Brussels, và tranh cãi chính trị nội bộ giữa các thể chế của EU.
Hôm 26/4 ông Michel đã xin lỗi. Ông nói ông lẽ ra nên nhường ghế nhưng ông quan ngại về việc gây ra một sự cố ngoại giao lớn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khối EU không được tốt.
Còn bà Leyen nói rằng sự tôn trọng quyền của phụ nữ phải là “điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ” và bản thân EU nên làm tốt chính điều này.
Hồi tháng 3/2021, Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích về đã rút khỏi Công ước Istanbul – một hiệp ước về ngăn ngừa bạo lực với nữ giới.
Nhưng như bà Leyen ghi nhận, một số thành viên EU vẫn chưa phê chuẩn công ước trên. Bà nói: “Điều này là không chấp nhận được”./.