Chương trình nghị sự sắp tới của EU sẽ tập trung vào quốc phòng và khả năng cạnh tranh
VOV.VN - Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, các nhà lãnh đạo khối sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Brussels, Bỉ vào ngày 27 và 28/6 để hoàn thiện và thông qua chương trình nghị sự chiến lược. Quốc phòng và khả năng cạnh tranh sẽ là trọng tâm của Liên Minh châu Âu (EU) trong giai đoạn tới.
Dự kiến trong tuần tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cùng nhau nhất trí thông qua chương trình nghị sự chiến lược, được ví như lộ trình chính trị của Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là các chủ đề mà Ủy ban châu Âu đặt trọng tâm trong giai đoạn 2024-2029.
Một trong những mối quan tâm chính của EU sẽ là Thỏa thuận Xanh, bao gồm cả các cơ sở pháp lý nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu của EU trong gian đoạn này sẽ tập trung vào sức cạnh tranh của khối.
Ông Simone Tagliapietra, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Bruegel cho biết: "Các chính sách xanh sẽ có một bước ngoặt mới ở châu Âu. Những chính sách này một mặt sẽ nhằm mục đích phục vụ khả năng cạnh tranh và mặt khác là phục vụ vấn đề an ninh. Điều này có cơ sở logic, bởi vì trong 5 năm qua, chúng tôi đã đề xuất rất nhiều điều luật cho Thỏa thuận Xanh châu Âu và bây giờ là lúc áp dụng chúng".
Ngoài ra, các chủ đề như chính sách thương mại với Trung Quốc hay nhu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô và thị trường mới, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ, cũng sẽ được EU quan tâm.
Tuy nhiên, vấn đề Quốc phòng với khẩu hiệu "xây dựng một châu Âu vững mạnh và an toàn" vẫn sẽ là tâm điểm chính của các nhà lãnh đạo khối 27, nhất là trong bối cảnh châu Âu đang muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trước những biến động chính trị sắp xảy ra.
Ông Simone Tagliapietra nhấn mạnh: "Có một yếu tố khác rất quan trọng, đó là cuộc bầu cử ở Mỹ và điều gì sẽ xảy ra nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng? Điều gì sẽ xảy ra với khả năng phòng thủ của châu Âu trong trường hợp, Mỹ từ chối hỗ trợ?"
Chương trình nghị sự dự thảo cũng bao gồm mối quan tâm về việc mở rộng châu Âu và khuôn khổ đàm phán cho các cuộc thương lượng gia nhập khối của các thành viên mới, đặc biệt là Ukraine, Moldova và các nước Tây Balkan.
Với việc Hungary chuẩn bị nhận chức chủ tịch luân phiên của EU vào ngày 1/7 tới, nhiều khả năng nước này sẽ ưu tiên việc đàm phán với Moldova hay các nước Tây Balkan khác kể từ nay cho đến hết nhiệm kỳ, tức là cuối 2024 bởi Budapest vẫn luôn phản đối việc Ukraine gia nhập EU trong thời gian vừa qua.