Chuyên gia Indonesia đề cao biện pháp ngoại giao trên Biển Đông

VOV.VN - Vấn đề Biển Đông và các yêu sách đơn phương của Trung Quốc tại vùng biển này đã trở thành vấn đề với một số nước Đông Nam Á.

Các chuyên gia, học giả Indonesia cho rằng cần sử dụng biện pháp ngoại giao bên cạnh biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.

Indonesia tăng cường hiện diện quân sự tại vùng biển Natuna.
(Ảnh: FPCI)

Tại hội thảo trực tuyến "Làm dịu căng thẳng trên vùng Biển Đông" do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (PFCI) tổ chức ngày hôm qua (19/8), các chuyên gia và học giả Indonesia cho rằng, Trung Quốc đã khẳng định những yêu sách trên phần lớn diện tích Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận. Gần đây, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những hành động thể hiện khả năng quân sự của mình ở Biển Đông. Hội thảo đã đặt ra vấn đề, liệu việc sử dụng quân sự có giải quyết được những căng thẳng hiện nay trong vùng Biển Đông hay không?

Ông Evan Laksamana, chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, ông ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao để xử lý các xung đột trên Biển Đông. Theo ông Evan, Trung Quốc là quốc gia có quy mô quân sự lớn và sẽ rất tốn kém nếu phát triển quân sự để cạnh tranh với quốc gia này. Ông cũng hoài nghi về ý tưởng hợp lực quân sự ở khu vực Đông Nam Á để cạnh tranh với Trung Quốc. Chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, xung đột trên Biển Đông nếu xảy ra chỉ gây bất lợi cho tất cả các bên, nhất là trong thời khó khăn do đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên ông Evan cũng thừa nhận, chỉ biện pháp ngoại giao là chưa đủ. Cần tăng cường kiểm soát các khu vực trên biển, cải thiện hệ thống an ninh để giải quyết các vấn đề vẫn thường nảy sinh trong khu vực lãnh hải, ví dụ như đánh bắt trái phép và cướp biển cũng như các xung đột tiềm tàng giữa các nước ASEAN hoặc với Trung Quốc.

Đồng quan điểm đó, ông Hasjim Djalal, cựu Đại sứ Indonesia tại Đức, người từng đứng đầu Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) cho rằng, so với biện pháp quân sự, thì các biện pháp ngoại giao quan trọng hơn và phải được đưa ra trước tiên. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, cần phải chuẩn bị cả năng lực quân sự, không phải để đối đầu mà để sẵn sàng cho tất cả các nguy cơ có thể xảy ra.

Cựu Đại sứ Hasjim đề xuất ý kiến phải tăng cường hiện diện của Indonesia tại vùng biển Natuna. Ông ví Natuna của Indonesia giống như Hawaii của Hoa Kỳ, do vậy cần được trao quyền cho khu vực này để quản lý về tài nguyên cũng như bảo vệ an ninh và chủ quyền vùng biển thường xuyên bị xâm nhập bất hợp pháp của Indonesia.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng nhận định, xung đột trên Biển Đông rất khó giải quyết. Bởi lẽ bên cạnh các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, còn có sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Lựa chọn tốt nhất là quản lý xung đột để không xảy ra chiến tranh mở.

Để quản lý được các xung đột thì việc các bên tham gia và tuân thủ một cách đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và sớm đạt được Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là điều hết sức cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên