Chuyện nước Lào ứng phó với sự chống phá của các thế lực thù địch
VOV.VN - Quốc gia Lào XHCN cũng vấp phải sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Lào đã lập ra một ủy ban liên bộ để ứng phó với sự tấn công đó.
Việc các thế lực phản động lợi dụng các chiêu bài tự do xuất bản, tự do ngôn luận để cho ra đời các ấn phẩm có nội dung xuyên tạc, vu cáo chế độ, bôi xấu chính quyền, hạ thấp uy tín các nhà lãnh đạo cách mạng không phải là điều mới. Tuy nhiên ở Lào, do đặc thù về trình độ phát triển, mặt bằng dân trí và văn hóa, lối sống nên mức độ biểu hiện của việc chống phá nói trên là có khác biệt.
Trước đây, các loại sách, tạp chí của các lực lượng chống phá Đảng - Nhà nước xuất hiện ở Lào là bản in. Song hiện nay, việc kiểm soát các ấn phẩm nhập khẩu khá gắt gao, nên các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng intenet để phát tán thông tin và các sách điện tử, nhắm vào một bộ phận giới trẻ; một số nhóm người thiểu số câu kết với bên ngoài, thu thập thông tin, lợi dụng việc chính quyền chưa giải quyết tốt các chính sách về đền bù giải tỏa đất đai, xóa đói giảm nghèo, chính sách dân tộc miền núi, giá điện cao trong khi Lào xây dựng nhiều thủy điện… để thực hiện hành vi chống phá của mình.
Có thể kể ra nhiều trang web đăng tải nội dung chống phá Lào như trang web của UNPO (Tổ chức các quốc gia không hiện diện), Fa-xả Lào, Liên minh vì dân chủ, Lào Cù-xạt, Lào Hôm-khiểu... Riêng tổ chức Liên minh vì dân chủ có chương trình hàng ngày phát tán trên mạng intenet để nói xấu chính quyền, kích động người dân.
Chính phủ Lào thành lập hẳn một Ủy ban gồm 30 thành viên đại diện cho các Bộ ngành liên quan như Quốc phòng, Công an, Thông tin Văn hóa, Bưu chính viễn thông… để đấu tranh ngăn chặn sự tấn công này. Bên cạnh đó, ngành tuyên giáo Lào cũng đẩy mạnh công tác định hướng thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội.
Tuy nhiên, sự tác động của các thế lực này không nhiều, do bản tính của người dân Lào vốn hiền lành, phần đông người Lào ngại va chạm, ít khi lớn tiếng và không muốn thể hiện quan điểm cá nhân, nhất là về những vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội./.