Chuyến tác nghiệp “nhớ đời” tại Triều Tiên
VOV.VN - Phóng viên quốc tế khi tác nghiệp ở Triều Tiên phải tuyệt đối tuân thủ các quy định ngặt nghèo của nước chủ nhà.
Trước khi đến “đất nước bí ẩn” nhất thế giới, không thể phủ nhận trong lòng tôi có nhiều lo lắng dù cũng đã quá quen với với những vấn đề quốc tế trong vai trò một biên tập viên ở mảng này. Phải thừa nhận rằng những thông tin về Triều Tiên tôi có được chủ yếu qua truyền thông phương Tây hay các thông tin trên trang web bằng tiếng Anh của KCNA, Rodong Sinmun. “Bơi” giữa hai luồng thông tin trái ngược hoàn toàn, lo lắng xen lẫn hồi hộp khiến tôi không thể chợp mắt đêm trước chuyến đi.
Bên trong sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Sau hành trình kéo dài 2 ngày, bao gồm hơn 20 giờ đồng hồ nối chuyến ở Bắc Kinh, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến được đất Triều Tiên. Ấn tượng ban đầu ngay ở cửa kiểm tra an ninh, đó là kỷ luật ở đây rất nghiêm. An ninh Triều Tiên không gây bất kỳ khó dễ gì cho phóng viên nhưng điều quan trọng là bạn phải biết tuân thủ những chỉ dẫn của họ.
Anh chàng phóng viên người Mỹ kiểm tra an ninh ngay trước tôi vô tình đặt valy thiết bị lên băng chuyền của máy soi an ninh hơi mạnh tay lập tức bị nhắc nhở. Thiết bị của các phóng viên truyền hình dường như bị kiểm tra kỹ hơn trong khi phóng viên ảnh như tôi không mất quá nhiều thời gian để qua cửa an ninh.
Người hướng dẫn bí ẩn
Ngay sau khi nhận đồ, người hướng dẫn đoàn của chúng tôi đã có mặt để chào hỏi, họ không cần cầm bảng tên để tìm người cần đón. Có lẽ những người làm nhiệm vụ hướng dẫn đã học thuộc khuôn mặt của những phóng viên họ chịu trách nhiệm quản lý trong thời gian tác nghiệp ở Triều Tiên.
Jong Hyon Chol (người mặc áo vest đen, đeo kính) luôn theo dõi nhất cử nhất động của các phóng viên VOV. |
Đoàn phóng viên sau đó được bố trí lên xe buýt để đến khách sạn, không khí trên xe khá chùng, gần như không ai nói với ai câu gì. Có lẽ không phải chỉ có mình tôi căng thẳng. Trong ánh chiều tà, những hình ảnh trên con đường dẫn từ sân bay đến khách sạn khiến tôi liên tưởng đến quê nhà với những cánh đồng trải dài, đồi núi trập trùng.
“Quán triệt” quan điểm từ nhà, tôi xin phép muốn chụp một vài bức ảnh kỷ niệm qua cửa kính ô tô. Thật bất ngờ, người hướng dẫn của chúng tôi mỉm cười nói: “Ok!”. Sau đó, tiếng bấm máy ảnh lác đác vang lên trong xe. Bầu không khí dường như dễ chịu hơn trước.
Theo lời giới thiệu, người hướng dẫn đoàn VOV là một nhân viên của Ủy ban Thông tin, Bộ Ngoại giao Triều Tiên có tên Jong Hyon Chol, 31 tuổi. JayJay ở cùng khách sạn chúng tôi lưu trú và không về nhà vào buổi tối, kể cả khi đoàn không có chương trình gì. Anh không ngăn cản hay tỏ ra khó chịu khi chúng tôi tác nghiệp nhưng chẳng bao giờ để các nhà báo thoát khỏi tầm mắt.
Sau 2 ngày, khi những câu chuyện của chúng tôi dường như đã trở nên thân thiết hơn. Tôi hỏi JayJay sao không tranh thủ buổi tối về nhà với vợ con (JayJay thường khoe ảnh và clip cậu con trai 3 tuổi và nói rất nhớ con), cậu cười: “Khi các bạn lên máy bay rời khỏi đây, tôi sẽ được về nhà”. Xem lại màn đồng diễn có một không hai chào mừng Quốc khánh Triều Tiên
Làm việc phải có đủ “500 anh em”
Đoàn phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên rất đông. Mỗi lần di chuyển đến địa điểm tác nghiệp theo sắp xếp của Ban tổ chức, hàng trăm phóng viên được bố trí lên khoảng gần 20 xe buýt. Xe chỉ khởi hành sau khi Ban tổ chức điểm danh không thiếu bất kỳ một phóng viên nào. Không có chuyện xe nào đủ người trước được phép xuất phát trước. Điều này gây ra không ít bất tiện mỗi khi có người xuống muộn.
Mỗi chuyến tham quan của đoàn phóng viên đều thực hiện nghiêm kỷ luật “đi đến nơi, về đến chốn”. Khi có ai đó ngỏ ý muốn xe có thể dừng lại để ghi hình, chụp ảnh đường phố Bình Nhưỡng, câu trả lời luôn là cái lắc đầu. Tất cả có thể thoải mái tác nghiệp ở điểm đến đã được ban tổ chức lựa chọn chứ không phải trên đường phố hay tại một địa điểm ngẫu hứng nào đó.
Chuyến tham quan ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng của đoàn phóng viên quốc tế hôm 6/9 có lẽ là dịp hiếm hoi phóng viên có thể tiếp cận người dân. Điều lạ lùng ở chỗ, có một số rất ít người hào hứng, sẵn sàng trả lời phỏng vấn.
Càng đến sát ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên, điều kiện tác nghiệp càng bị thắt chặt. Chiều tối 8/9, ngay sau khi bước xuống xe trở về sau chuyến tham quan một hợp tác xã kiểu mẫu của Triều Tiên, cánh phóng viên nhận được lệnh thu hết máy móc để kiểm tra.
Phóng viên xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra an ninh tối 8/9. |
Chúng tôi nằm trong nhóm 4, nhóm gần cuối được kiểm tra an ninh nhưng cũng không được phép có mặt muộn hơn các đoàn bạn. Người hướng dẫn cũng không tiết lộ điều gì đang diễn ra mà chỉ nhắc tôi nên kiếm chút đồ ăn nhẹ vì “tối nay sẽ rất dài”.
An ninh ngặt nghèo
Việc kiểm tra an ninh của Triều Tiên cũng hoàn toàn khác với những sự kiện trước đây tôi từng tham dự. Tất cả những gì bạn dự định mang theo bên mình tới nơi tác nghiệp được cho vào một giỏ nhựa, các nhân viên an ninh của quân đội Triều Tiên mang tất cả đồ đạc vào một phòng kín, không ai biết họ làm gì với máy quay, máy ảnh. Từng nhóm nhỏ phóng viên sau khi nhận lại đồ được đưa thẳng ra cửa, không hiểu họ được an ninh dẫn đi đâu.
Quá trình kiểm tra an ninh diễn ra trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ, bữa tối khi đó trở thành một điều xa xỉ, mọi người chỉ có thể ăn bánh, uống nước tại chỗ bởi có thể tới lượt kiểm tra bất cứ lúc nào. Không ai được mang theo điện thoại, laptop đến sự kiện kể cả những thành viên của đội hướng dẫn nước chủ nhà. Lo lắng của tôi chỉ tạm lắng xuống khi nhận được máy ảnh của mình, bước qua cửa kiểm tra an ninh một lần nữa trước khi được đưa thẳng ra xe.
Những người hướng dẫn đoàn (mặc vest đen) luôn theo sát các đoàn phóng viên trong mọi hoạt động. |
Chúng tôi chỉ biết mình sẽ được đến xem buổi hòa nhạc mừng Quốc khánh Triều Tiên khi đã đặt chân tới địa điểm tổ chức buổi biểu diễn. 0h sáng 9/9, xe đưa đoàn phóng viên trở về từ buổi biểu diễn, những tưởng một ngày dài mệt mỏi đã kết thúc nhưng một lần nữa đoàn phóng viên lại nhận được yêu cầu phải kiểm tra an ninh lần nữa.
Lịch làm việc chỉ có vào giờ chót
Sau khi các thiết bị được bàn giao cho an ninh, mỗi đoàn phóng viên nhận được một “ticket” để nhận đồ… trước khi khởi hành. Chúng tôi được yêu cầu về phòng nghỉ ngơi và người hướng dẫn sẽ gọi điện thoại để thông báo lịch làm việc cụ thể sau. Tôi về phòng nhưng cũng ko dám đặt lưng xuống vì sợ ngủ quên, lỡ lịch làm việc. Lúc này, mì ăn liền mang từ nhà sang là thứ duy nhất có thể xua đi cơn đói và cảm giác mệt lả.
2h30 sáng ngày 9/9, chuông điện thoại reo, lịch chốt đoàn xe sẽ khởi hành vào 5h30. Giấc ngủ ngắn không đủ để xua tan mệt mỏi. Hàng trăm phóng viên lại được đưa lên xe (không thiếu một ai) để đến quảng trường Kim Nhật Thành đưa tin lễ diễu binh mừng 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.
Phóng viên nước chủ nhà dàn hàng ngang ngay trước ống kính máy ảnh, máy quay của các phóng viên quốc tế. |
Xe vừa dừng bánh, tất cả ùa chạy thật nhanh để cố giành cho mình vị trí đẹp nhất trên quảng trường. Quãng đường không quá xa nhưng với lỉnh kỉnh thiết bị mang theo khiến mọi người đều thấm mệt. Những tưởng mọi thứ đã sẵn sàng cho hoạt động tác nghiệp, bất chợt, phóng viên nước chủ nhà đồng loạt bê thang dàn ngang trước vị trí các phóng viên quốc tế.
Ở nhà, tôi đã được khuyến cáo không mang theo ống tele >200mm. Vì không muốn rắc rối ở đất nước bí ẩn, tôi tuyệt đối tuân thủ. Tuy nhiên, không hiểu sao các cơ quan báo chí nước ngoài vẫn có thể sử dụng ống 600mm. Bất lợi buộc tôi phải nghĩ cách luồn ra sát rìa đường nơi đoàn diễu binh đi qua để tác nghiệp. Mỗi lần bị nhắc nhở, tôi lại lùi lại một chút, sau đó lại dần tiến lên phía trước... An ninh của bạn cũng không cản trở trong quá trình tác nghiệp.
Hai phóng viên VOV chụp ảnh lưu niệm cùng người hướng dẫn trên quảng trường Kim Nhật Thành. |
Sau 4 giờ đồng hồ phơi nắng trên quảng trường, đoàn xe được đưa trở về khách sạn và khâu kiểm tra an ninh lại bắt đầu, chuẩn bị cho buổi đồng diễn ariang vào buổi tối cùng ngày. Để có thể vào sân vận động May Day xem buổi đồng diễn có một không hai này, đám đông hàng nghìn người phải lách qua cửa chỉ có 2 nhân viên an ninh của quân đội Triều Tiên đứng soát vé.
Khu vực tác nghiệp cho phóng viên trong sân vận động quá chật hẹp, đồ nghề của phóng viên Việt Nam cũng không thể đọ lại dàn thiết bị hùng hậu của phóng viên các nước khác. Đứng bằng nửa bàn chân trên bục khán đài suốt 3-4 giờ đồng hồ khiến bàn chân tôi tê buốt nhưng bù lại màn trình diễn ấn tượng, giàu cảm xúc.
Còn rất nhiều những điều lần đầu tôi phải đối mặt khi tác nghiệp báo chí ở Triều Tiên. Có vất vả, có mệt nhọc nhưng đó thực sự là trải nghiệm không dễ được nếm trải lần thứ hai. Hình ảnh những khuôn mặt khó quên của người dân Triều Tiên giữa thủ đô Bình Nhưỡng lộng lẫy với nhiều tòa nhà cao tầng, các công trình kiến trúc đồ sộ… vẫn thôi thúc tôi trở lại đây bất kể khi nào có cơ hội./. Cận cảnh bên trong sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng (Triều Tiên)
Ảnh: Ghé thăm nơi lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành sinh ra và lớn lên
Xao xuyến vì vẻ đẹp các cô gái Triều Tiên ở quảng trường Kim Il-sung