Cơ hội nào cho 1 cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran?
VOV.VN - Sau nhiều tuần căng thẳng giữa Mỹ – Iran bị đẩy lên cao trào, đã có những lời ngỏ về khả năng đàm phán giữa 2 bên.
Mỹ ngày 2/6 tuyên bố sẽ đàm phán “vô điều kiện”, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn với Iran, do mất niềm tin vào sự thất hứa của Mỹ, nước này yêu cầu Mỹ phải quay trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, coi đây là điều kiện tiên quyết để bước vào đối thoại. Dù cơ hội đàm phán giữa hai bên vẫn còn khá mờ nhạt, song cả 2 bên đã bày tỏ rõ quan điểm của mình về khả năng đối thoại.
“Mỹ đang chơi chữ với Iran” khi tuyên bố sẵn sàng đối thoại vô điều kiện – Đó là phản ứng của Bộ Ngoại giao Iran đưa ra ngày 2/6, trước tuyên bố cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Mỹ ngày 2/6 tuyên bố sẽ đàm phán “vô điều kiện”, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh minh họa: Industry Week |
Cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng nước này Javad Zarif cho biết, nếu Mỹ muốn đàm phán, nước này phải quay trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Mỹ từng phá bỏ. Ngoại trưởng Iran cho rằng, đây là điều kiện tiên quyết để 2 bên đối thoại; đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ không bao giờ có được một thỏa thuận tốt hơn thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Mỹ và 5 cường quốc thế giới khác. Cũng theo ông Javad Zarif, Iran không cần một nhà trung gian hòa giải, mà thay vào đó Mỹ cần chấm dứt cuộc chiến tranh kinh tế mà Washington phát động nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ngoại trưởng cho rằng, một khi sự thù địch này chấm dứt, tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi.
Trong khi Tổng thống Iran Rouhani lại đặt ra 1 câu hỏi “thú vị”, rằng Mỹ từng “1 vài lần” đưa ra điều kiện đàm phán với Iran, từng đe dọa sử dụng vũ lực với nước này; song thời gian gần đây vì sao họ lại tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện, tuyên bố không tìm kiếm chiến tranh? Tổng thống Iran khẳng định, Washington cần thể hiện sự tôn trọng với Iran và quốc gia Trung Đông này sẽ không chấp nhận bất kỳ áp lực nào từ Mỹ trong các cuộc đàm phán (nếu có).
Các tuyên bố của giới chức Iran được xem là phản ứng trước tuyên bố cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tại Thụy Sĩ, rằng Mỹ nói chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump nói riêng luôn sẵn sàng và hi vọng Iran tới bàn đàm phán.
“Chúng tôi đã sẵn sàng tham gia vào 1 cuộc đàm phán không đi kèm điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi sẵn sàng ngồi vào đối thoại, với mục đích cơ bản là thay đổi những hành động của Iran, của Lực lượng Vệ binh cách mạng nước này. Chúng tôi chắc chắn đã chuẩn bị cho 1 cuộc đàm phán khi Iran cư xử như 1 quốc gia bình thường”, ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu Iran ngừng ngay các hoạt động mở rộng ảnh hưởng tại khu vực thông qua việc ủng hộ các nhóm phiến quân. Ông Pompeo cũng cho biết, Mỹ cũng đang rất quan tâm, theo dõi sát các hoạt động hạt nhân của Iran, liên quan đến quyết định ngừng tuân thủ giới hạn làm giàu urani và sản xuất nước nặng của Iran.
Trước đó, hồi năm ngoái, cũng chính Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố danh sách 12 yêu cầu “hà khắc”, yêu cầu Iran phải thực hiện trước khi muốn đạt được “thỏa thuận mới” với Mỹ. Kể từ đó tới nay, quan hệ Mỹ- Iran vẫn chìm trong căng thẳng và ngày càng leo thang. Đặc biệt, trong vài tuần trở lại đây, bên cạnh việc siết chặt trừng phạt Iran, Mỹ còn gia tăng hiện diện quân sự tại Trung Đông với lý do "nhận thấy các mối đe dọa từ Iran".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã hạ giọng với Iran khi cho biết Washington không tìm kiếm một sự thay đổi cơ chế tại quốc gia Hồi giáo và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Dẫu vậy, Iran thực tế “đang nghi ngờ” các tuyên bố của Mỹ, sẵn sàng và chuẩn bị tốt cho mọi kịch bản, bởi Iran đã mất niềm tin quá nhiều vào “đối thủ” sau khi Mỹ phá bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - từng được coi là bước ngoặt lịch sử của thế giới./.