Cơ hội “thay đổi cuộc chơi” của Tổng thống Trump trước thềm bầu cử 2020

VOV.VN - Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ nhanh chóng tìm người thay thế cố thẩm phán Ginsburg trước thềm bầu cử, bởi đây là một nhiệm vụ không được chậm trễ.

Sự ra đi của Thẩm phán Tóa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg ngày 18/9 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đua tổng thống năm 2020, mặc dù khi ở trên giường bệnh bà đã bày tỏ mong muốn rằng, vị trí của bà sẽ không bị thay thế “cho đến khi một tổng thống mới được bổ nhiệm”.

Thẩm phán Ginsburg qua đời ở tuổi 87, do ung thư tuyến tụy đã di căn, để lại một khoảng trống lớn trong Tòa án Tối cao – nơi mà trong những năm gần đây thường có vẻ cân bằng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, và vào thời điểm Tổng thống Donald Trump đang thua ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tranh cãi về thời điểm thay thẩm phán mới

ABC News dẫn các nguồn tin thân cận với Tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ đưa ra một đề cử để thay thế bà Ginsburg trong vài ngày tới. Điều này khiến nhiều người cho rằng ông đang tìm cách đưa thẩm phán Tòa án Tối cao trở thành một vấn đề chiến dịch tranh cử. 

Điều này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo phe đa số (đảng Cộng hòa) tại Thượng viện Mitch McConnel. 

Trở lại năm 2016, đảng Cộng hòa khi đó đã tận dụng lợi thế đa số ở Thượng viện để ngăn chặn Tổng thống Barack Obama đề cử Merrick Garland làm thẩm phán Tòa án Tối cao (thay thế Thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào tháng 2/2016), nói rằng điều đó là không phù hợp trong một năm bầu cử.

Tuy nhiên, ông Mitch McConnel đã thay đổi quan điểm khi tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách xác nhận ứng cử viên mà Tổng thống Trump đề cử trước thềm bầu cử 2020. 

“Người được Tổng thống Trump đề cử sẽ nhận được một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ,” Thượng nghị sỹ McConnell nói trong một tuyên bố sau khi Thẩm phán Ginsburg qua đời. Ông nhấn mạnh rằng, tình hình hiện nay đã khác so với thời điểm năm 2016 ngoái, vì đảng Cộng hòa (của chính ông) đang kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện. 

Tuy nhiên, trong một tuyên bố riêng vào tối 18/9, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng Thượng viện nên đợi cho đến sau cuộc bầu cử.  

“Các cử tri nên chọn tổng thống và tổng thống mới (hoặc được bầu lại) nên đề cử thẩm phán để Thượng viện xác nhận,” ông Biden nói.

Thượng viện có lấp đầy khoảng trống trước bầu cử?

Từ khi Thẩm phán Ginsburg nhập viện hồi tháng 5/2020, nhiều thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa đã lên chiến lược về việc nhanh chóng thay thế bà trong năm bầu cử.

Dù vậy, để có thể phê chuẩn đề cử của Tổng thống Trump, cần phải đảm bảo có ít nhất trên 50 phiếu thuận, trong khi đó, đảng Cộng hòa hiện nay chỉ chiếm đa số nhỏ (53-47) tại Thượng viện. 

Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 18/9, Chuyên gia chính trị Jeff Greenfield nói rằng 2 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, là Thượng nghị sỹ bang Utah Mitt Romney và Thượng nghị sỹ bang Alaska Lisa Murkowski, có khả năng sẽ bỏ phiếu “không” đối với việc bổ nhiệm thẩm phán mới ngay trước cuộc bầu cử. 

Theo chuyên gia Greenfield, Thượng nghị sỹ Lamar Alexander của bang Tennessee là một phiếu “có” nhưng vẫn có khả năng sẽ thay đổi quyết định.

Lá phiếu của Thượng nghị sĩ bang Maine Susan Collins cũng là điều được quan tâm, bởi bà đang phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử khó khăn. Câu trả lời “Có” hay “Không” cũng đều sẽ có những tác động nhất định với con đường tái tranh cử của bà.

Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng khác nằm ở Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang Nam Carolina, người chủ trì Ủy ban Tư pháp  - ủy ban sẽ xác nhận đề cử thay thế cố Thẩm phán Ginsburg. Mặc là một đồng minh của Tổng thống Trump, nhưng năm 2018, Thượng nghị sỹ Graham từng nói rằng: “Nếu có một sự khởi đầu nào đó đến vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và một quá trình sơ bộ đã bắt đầu, chúng tôi sẽ chờ đợi cho tới sau cuộc bầu cử”.

Các đề cử thẩm phán trước đây phải mất khoảng 70 ngày mới được chuyển lên Thượng viện. Trường hợp Thẩm phán Merrick Garland mà Tổng thống Obama đề cử thay thế Thẩm phán Scalia thì mất tới 237 ngày (gần 9 tháng). Trong khi đó, Thẩm phán Ginsburg qua đời chỉ 45 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Nếu đề cử mà Tổng thống Trump đưa ra không được xác nhận trước khi diễn ra cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa vẫn có thể bỏ phiếu trong giai đoạn Quốc hội “vịt què”, tức là thời gian từ sau cuộc bầu cử đến khi Quốc hội tiếp theo tiếp quản quyền lực.

Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, một sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Harvard, người được coi là một trong những ứng cử viên thay thế Ginsburg, cho rằng, Tổng thống Trump cần đề cử một Thẩm phán mới ngay lập tức. 

“Chúng tôi có trách nhiệm thực hiện công việc của mình,” Cruz trả lời  Fox News. 

Cơ hội thay đổi sự cân bằng trong tòa án tối cao

Điều không ai nghi ngờ là sự ra đi của Thẩm phán Ginsburg để lại một khoảng trống lớn trong Tòa án Tối cao của Mỹ. Toàn bộ sự nghiệp của bà được định hình bởi cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới, một cuộc đấu tranh mang đậm dấu ấn cá nhân của bà. 

Dù tốt nghiệp đứng đầu lớp tại Trường Luật Columbia, nhưng bà không thể xin việc tại một công ty luật. Dù vậy, Ginsburg đã thăng tiến lên các vị trí cao nhất và cuối cùng là một địa vị mang tính biểu tượng trong lĩnh vực của bà. Là một luật sư, người sáng lập và cố vấn chung của Dự án Quyền của Phụ nữ ACLU, bà đã ảnh hưởng đến nhiều cuộc đấu tranh lớn cho sự bình đẳng ngay cả trước khi cô ấy tham gia tòa án.

Việc bà Ginsburg qua đời đã trao cho Tổng thống Trump cơ hội bổ sung thêm một thẩm phán bảo thủ khác vào Tòa án Tối cao, từ đó đạt được đa số 6-3, tức là với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán cấp tiến. Điều này nhằm đảm bảo ngay cả khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm nay thì đảng Cộng hòa vẫn có lợi thế ở Tòa án Tối cao.

Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 19/9, Tổng thống Trump khẳng định rằng việc lựa chọn thẩm phán Tòa án Tối cao là "nghĩa vụ không được chậm trễ".

Tại cuộc vận động tranh cử ở Fayetteville, North Carolina, ông cũng tuyên bố sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế trống tại Tòa án Tối cao Mỹ trong tuần sau để thay thế nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời.

“Tôi sẽ đề cử một ứng viên trong tuần sau. Đó sẽ là một phụ nữ. Tôi nghĩ đó nên là một người phụ nữ vì tôi thực sự thích phụ nữ hơn nam giới nhiều”, ông Trump nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nữ thẩm phán biểu tượng của Tòa tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87
Nữ thẩm phán biểu tượng của Tòa tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87

VOV.VN - Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra thông báo rằng bà Ginsburg đã qua đời tại nhà riêng ở thủ đô Washington ngày 18/9 do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn.

Nữ thẩm phán biểu tượng của Tòa tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87

Nữ thẩm phán biểu tượng của Tòa tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 87

VOV.VN - Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra thông báo rằng bà Ginsburg đã qua đời tại nhà riêng ở thủ đô Washington ngày 18/9 do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn.

Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden chia rẽ về chính sách đối ngoại
Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden chia rẽ về chính sách đối ngoại

VOV.VN - Trong khi Tổng thống Trump ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì ông Biden nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quan hệ với các đồng minh. Chính sách đối ngoại của 2 ứng viên chia rẽ sâu sắc, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống đã cận kề.

Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden chia rẽ về chính sách đối ngoại

Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden chia rẽ về chính sách đối ngoại

VOV.VN - Trong khi Tổng thống Trump ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì ông Biden nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quan hệ với các đồng minh. Chính sách đối ngoại của 2 ứng viên chia rẽ sâu sắc, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống đã cận kề.

Số người Mỹ đồng ý tiêm phòng giảm mạnh dù Trump nói vaccine Covid-19 sẽ có trước bầu cử
Số người Mỹ đồng ý tiêm phòng giảm mạnh dù Trump nói vaccine Covid-19 sẽ có trước bầu cử

VOV.VN - 51% người dân Mỹ sẽ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 nếu chúng có sẵn, một con số giảm đáng kể so với 72% dân số Mỹ cho biết, họ sẽ tiêm vaccine trong cuộc khảo sát hồi tháng 4.

Số người Mỹ đồng ý tiêm phòng giảm mạnh dù Trump nói vaccine Covid-19 sẽ có trước bầu cử

Số người Mỹ đồng ý tiêm phòng giảm mạnh dù Trump nói vaccine Covid-19 sẽ có trước bầu cử

VOV.VN - 51% người dân Mỹ sẽ sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 nếu chúng có sẵn, một con số giảm đáng kể so với 72% dân số Mỹ cho biết, họ sẽ tiêm vaccine trong cuộc khảo sát hồi tháng 4.