Có phải trẻ em ít khả năng bị nhiễm virus corona hơn người lớn?
VOV.VN-Mặc dù bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới khiến hơn 30.000 nhiễm bệnh trên toàn cầu nhưng số ca nhiễm là trẻ em là “rất hiếm” và không nghiêm trọng.
Virus corona mới đã khiến hơn 30.000 người nhiễm bệnh và 639 người chết trên khắp thế giới. Tuy nhiên, dường như tương đối ít trẻ em mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng khi nhiễm chủng virus này.
"Độ tuổi ở giữa của các bệnh nhân là từ 49 - 56 tuổi. Các trường hợp là trẻ em rất hiếm", New York Times dẫn một bài báo đăng trên JAMA ngày 5/2 cho biết.
Vậy tại sao trẻ em ít nhiễm phải dịch bệnh này hơn?
Trẻ em đeo khẩu trang chơi đùa trong một khuôn viên ở Bắc Kinh tháng 1/2020. Ảnh: AFP |
Học giả Carlos del Rio nhận định với Global Times rằng các trường hợp bệnh nhân dưới 15 tuổi là rất hiếm nhưng có thể là do chúng ta chưa có được những báo cáo đầy đủ về số liệu này.
Chuyên gia này cũng nhận định thêm, nhìn chung, các bệnh liên quan đến phổi như viêm phổi và cúm thường có xu hướng nghiêm trọng hơn ở những người lớn tuổi, cũng như những người mắc các bệnh kinh niên.
Trong khi đó, trưởng khoa virus học tại Đại học Hong Kong Malik Peiris nhận định: "Theo quan điểm của tôi, những người trẻ vẫn nhiễm bệnh nhưng ở mức độ tương đối nhẹ hơn".
Các nhà khoa học không thấy có nhiều trẻ em nhiễm bệnh bởi "chúng tôi không có dữ liệu về các trường hợp nhẹ hơn này".
Ông Peiris cũng cho biết: "Nếu dịch virus corona lan rộng trên toàn thế giới, nó cũng sẽ ảnh hưởng rộng khắp như bệnh cúm và khi đó, có lẽ chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp hơn".
Theo New York Times, trong một trường hợp nghiên cứu được công bố, một cậu bé 10 tuổi đã tới "tâm dịch" Vũ Hán cùng gia đình. Sau khi trở về Thâm Quyến, các thành viên còn lại trong gia đình này với độ tuổi từ 36 đến 66 đều sốt, đau họng, tiêu chảy và viêm phổi.
Cậu bé trên cũng có những dấu hiệu nhiễm virus song không có những triệu chứng bên ngoài như trên. Một số nhà khoa học nhận định có thể đây là biểu hiện nhiễm virus corona đặc trưng ở trẻ em.
"Có thể hoặc là trẻ em mới chỉ ở mức độ tiệm cận nhiễm bệnh hoặc đã nhiễm bệnh nhưng ở mức độ rất nhẹ", chuyên gia Raina MacIntyre - một nhà nghiên cứu về dịch bệnh tại Đại học New South Wales ở Sydney, Australia, người đang nghiên cứu về sự lan rộng của chủng virus mới nhận định.
Dịch virus corona mới được cho là có nhiều điểm tương đồng với dịch SARS và MERS - các dịch bệnh cũng do virus corona gây nên. Dịch MERS tại Saudi Arabia năm 2012 và tại Hàn Quốc năm 2015 khiến hơn 800 người thiệt mạng. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em nhiễm bệnh đều không có những triệu chứng nghiêm trọng.
Không có trẻ em nào thiệt mạng trong dịch SARS năm 2003 và phần lớn trong 800 người chết là có độ tuổi trên 45 với tỷ lệ đàn ông có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Theo các báo cáo được công bố, trong số hơn 8.000 ca nhiễm SARS, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát bệnh phát hiện được 135 trường hợp trẻ em nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng trẻ em dưới 12 tuổi ít phải tới bệnh viện hoặc thở oxy khi điều trị nhất, trong khi trẻ em trên 12 tuổi có các triệu chứng giống người lớn hơn.
"Chúng tôi chưa hiểu hết lý do việc mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng lên ở độ tuổi này nhưng giờ đây, cùng với SARS, chúng tôi có thể thấy bức tranh này rõ ràng hơn", ông Peiris cho biết.
Bệnh cúm đã tiến hóa cùng với con người trong hàng nghìn năm và ảnh hưởng tới hàng triệu người trên khắp thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, mặc dù có hàng nghìn trẻ em bị cúm phải điều trị trong bệnh viện mỗi năm song chỉ có một phần nhỏ trong số này tử vong.
Người lớn dễ nhiễm bệnh hơn bởi họ có khả năng mắc thêm các bệnh khác như đái tháo đường, huyết áp cao và tim mạch, những bệnh làm giảm khả năng chống chọi trước bệnh này.
Hệ miễn dịch của cơ thể, vốn có vai trò quan trọng trong việc đối phó với virus sẽ giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt là sau tuổi trung niên.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra về chủng virus corona mới là liệu trẻ em nhiễm bệnh có thể lây nhiễm virus này sang cho những người khác hay không.
"Chúng tôi hiểu những người trẻ nói chung, không chỉ là trẻ em mà còn cả thanh thiếu niên là những người tiếp xúc và giao tiếp nhiều nhất trong xã hội. Những người trẻ không biết mình đang mang bệnh có thể sẽ vô tình làm lây lan dịch bệnh”, chuyên gia MacIntyre cho biết.
Tuy nhiên, MacIntyre cho biết để hiểu đầy đủ về dịch bệnh, cô và các nhà khoa học khác cần thêm dữ liệu như khi nào những người này lần đầu tiên tiếp xúc với virus, khi nào họ bắt đầu có triệu chứng, có bao nhiêu người và những ai có triệu chứng nhẹ so với những người có triệu chứng nặng hơn./.
Cuộc sống “không ngày tháng” của người dân vùng “tâm dịch” Vũ Hán