Cơ quan phát triển Pháp (AFD): Việt Nam là một hình mẫu trong ứng phó biến đổi khí hậu
VOV.VN - Việt Nam là một hình mẫu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế Xanh.
Đây là khẳng định của bà Hélène Djoufelkit, Giám đốc Vụ phân tích kinh tế và chính sách công của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhân dịp khởi động Giai đoạn 2 Chương trình Nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu (GEMMES Vietnam). Bắt đầu được triển khai từ năm 2019, chương trình đã góp phần hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược dài hạn nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện các mục tiêu của Thoả thuận khí hậu Paris. Việt Nam cũng là quốc gia châu Á đầu tiên được thụ hưởng chương trình này.
Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã luôn cho thấy sự chủ động trong việc tham gia, cũng như tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2022, Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, xác định tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm chiến lược phát triển bền vững. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, phi carbon hóa sản xuất năng lượng, dần dần thay thế các nhà máy điện than bằng các năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt trời.
Theo bà Hélène Djoufelkit, đây là một cam kết mang tính bước ngoặt, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ trong mô hình kinh tế:
“ Việt Nam thực sự đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 về lộ trình hướng tới net zero vào năm 2050. Tôi hoan nghênh ý chí và quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong tham vọng này. Đó là một quyết định quan trọng vì trên thực tế, cũng giống như những nền kinh tế đang phát triển khác, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các ngành có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, như năng lượng, dệt may hay thực phẩm. Tôi tin rằng chủ trương của Việt Nam một mặt muốn hợp lý hóa, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, muốn chuyển đổi công nghiệp thành công nghiệp xanh là hoàn toàn mẫu mực. Giai đoạn 1 của dự án cũng cho thấy, Việt Nam thực sự phải đối mặt với nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi năng lượng, song các bạn cũng cho thấy có đủ khả năng để nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm xanh".
Chương trình Nghiên cứu Kinh tế về biến đổi khí hậu, viết tắt là GEMMES, được khởi xướng trong chuyến thăm Pháp năm 2018 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tăng cường năng lực thích ứng và phục hồi của Việt Nam trước những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.
Các đánh giá khoa học được thực hiện trong giai đoạn 1 của chương trình đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nghiên cứu toàn bộ tác động ở cấp quốc gia nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, 2 độ C hay thậm chí 3 độ C để từ đó đề xuất các hành động chính sách ứng phó phù hợp.
Tiếp nối các nghiên cứu của giai đoạn 1, giai đoạn 2 của GEMMES tập trung vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm tối ưu hoá quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như giảm thiểu tác động tài chính vĩ mô của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.
Chia sẻ về những mục tiêu của giai đoạn 2, bà Hélène Djoufelkit khẳng định: "Trong giai đoạn thứ hai này của dự án, chúng tôi muốn tiến xa hơn bằng cách thực sự đi sâu vào tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan đối với Việt Nam. Những hiện tượng khí hậu này đang ngày càng tái diễn và gây ra những tác động ngày càng mạnh mẽ. Chúng ta sẽ có thể đánh giá tác động của các dự báo về các sự kiện cực đoan và tác động của chúng đối với một số vùng lãnh thổ và đối tượng nhất định, ví dụ như tác động của nắng nóng cực độ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đối với dân số, cơ sở hạ tầng và cả đối với nền kinh tế vĩ mô hay lũ lụt tại một số khu vực. Sau đó, chúng ta sẽ tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng, cố gắng đưa ra những đánh giá về tác động tài chính vĩ mô của các kịch bản chuyển đổi năng lượng khác nhau đối với Việt Nam".