Cố vấn An ninh Mỹ thăm Anh nhằm gây sức ép với Iran và Huawei
VOV.VN - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang có chuyến thăm Anh với mục tiêu kéo Anh gần Mỹ hơn trong lập trường về các vấn đề quốc tế.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Mỹ đến thăm Anh kể từ khi ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng của nước Anh, với mục tiêu kéo Anh gần Mỹ hơn trong lập trường về các vấn đề quốc tế lớn như gia tăng sức ép với Iran hay vận động Anh tránh xa tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: AP. |
Trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10, sự thay đổi lập trường địa chính trị lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đang nỗ lực tận dụng những lợi thế trong cuộc đua giành lợi ích. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh thường xuyên có các cuộc điện đàm kể từ khi ông Johnson lên nhậm chức. Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định mối quan hệ tốt đẹp với Anh và bày tỏ muốn đạt được một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng với Anh.
“Tôi nghĩ sẽ có mối quan hệ tốt với Anh và chúng tôi đang thúc đẩy một thỏa thuận. Đây sẽ là một thỏa thuận tham vọng. Chúng tôi có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Anh thời gian qua nhưng vì giới hạn trong mối quan hệ của Anh với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Anh về thương mại”, ông Trump nói.
Hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ dự kiến có cuộc gặp vào cuối tháng 8 tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Pháp. Chuyến thăm của ông Bolton tới London tiếp tục khẳng định quan hệ hợp tác thương mại quốc phòng vững chắc giữa hai nước trong cơn bão Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Mỹ đang nuôi hi vọng mối quan hệ gần gũi với ông Johnson sẽ khiến Anh có sự chuyển hướng tiếp cận trong các vấn đề chính sách ngoại giao, hướng đến Mỹ. Trong chuyến thăm lần này, ông Bolton dự kiến hối thúc Anh cần phải có chính sách cứng rắn hơn với Iran.
Anh gần đây vẫn ủng hộ Liên minh châu Âu trong việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015. Tuy nhiên, việc bắt giữ tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz đã gây sức ép buộc Anh phải cân nhắc lại lập trường cứng rắn hơn với Iran. Anh gần đây cũng tham gia vào phái bộ hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại Vùng Vịnh để bảo vệ các tàu chở dầu. Với sự ủng hộ của Anh, đây sẽ là tiếng nói có trọng lượng trong chiến dịch gia tăng sức ép của Mỹ lên Iran.
Ngoài vấn đề Iran, một trong những mục tiêu tiếp theo trong chuyến thăm Anh lần này của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ là chứng minh với Anh rằng Tập đoàn công nghệ Huawei đang giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi khách hàng của mình. Mỹ đang tích cực vận động các đồng minh, trong đó có Anh tránh sử dụng thiết bị từ Huawei cũng như không hợp tác với Huawei về khai thác công nghệ viễn thông không dây 5G, xem đó là một rủi ro với an ninh với các quốc gia và với cả liên minh. Hiện Anh vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Rõ ràng với chính phủ mới dưới thời Tân Thủ tướng Boris Johnson, có nhiều triển vọng về một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Anh và Mỹ. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, những quyết định lớn sẽ khó được thực hiện trong tương lai gần, khi Anh vẫn đang phải duy trì tập trung vào tiến trình Brexit. Có nhiều nguồn tin cho biết trong chuyến thăm Anh lần này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ sẽ vận động Anh từ bỏ thỏa thuận hạt nhân để tăng áp lực lên Iran.
Tuy nhiên khả năng lớn Anh sẽ chưa có quyết định về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ít nhất trong thời điểm này. Trong khi đó, chi tiết về bất cứ một thỏa thuận thương mại tự do nào và tốc độ để đạt được thỏa thuận đó cũng cần phải có thời gian xem xét giữa hai bên. Vì vậy, chuyến thăm này tiếp tục là cơ hội để khảo sát các lựa chọn, giúp hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại tự do sớm nhất có thể./.
Anh tuyên bố Iran đã điều 3 tàu chiến để chặn tàu hàng Anh