Con tàu hoà bình Trung Đông liệu có tiếp tục lăn bánh?

Ngày 1/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Ai Cập, bắt đầu chuyến công du Trung Đông đầu tiên. Bà Clinton sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ trong sứ mạng của mình tại khu vực này nhằm thúc đẩy con tàu hoà bình Trung Đông tiến về phía trước

Dư luận khu vực đặc biệt quan tâm đến chuyến công du này của tân Ngoại trưởng Mỹ tới Ai Cập, Israel, khu Bờ Tây và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Đông được chọn là điểm đến thứ 2 sau chuyến công du Châu Á của bà Clinton cho thấy sự quan tâm của chính phủ mới ở Mỹ đối với khu vực nóng này. Dù chưa phải là tất cả nhưng rõ ràng cam kết sớm giải quyết cuộc xung đột Isarel – Palestine của Tổng thống Obama đã được thực hiện. Liệu chuyến công du này của bà Clinton có đem lại hy vọng cho người dân khu vực Trung Đông về sự khởi đầu tốt đẹp của một tiến trình hoà bình?

Cũng giống như các khu vực khác trên thế giới, người dân Trung Đông nói chung, nhất là người Palestine đều mong muốn hoà bình sẽ sớm đến với khu vực, đến mảnh đất được gọi là tổ quốc của mình. Những hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trong năm 2008 đã không thành hiện thực khi chính quyền cũ tại Mỹ không còn thời gian để hoàn thành cam kết này mặc dù cựu Ngoại trưởng Condelezza Rice đã thực hiện  nhiều chuyến công du con thoi tới Trung Đông. Dư luận đều cho rằng chính quyền của cựu Tổng thống Bush dù đã cố thể hiện nhiều nhưng những cố gắng đó đều được bắt đầu khi đã quá muộn, khi nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bush chỉ còn một năm.

Khác với người tiền nhiệm, bà Clinton công du Trung Đông sau khi chính quyền mới của Tổng thống Obama lên nắm chính quyền chưa đầy 2 tháng. Đấy là chưa kể trước đó, Tổng thống Obama đã cử đặc phái viên Trung Đông của mình là Geogre Mitchell đến khu vực này để nắm tình hình. Điều đó thêm một minh chứng cho sự quan tâm của chính quyền Obama tới việc giải quyết các vấn đề gai góc của Trung Đông. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn ở phía trước đang đợi bà Clinton trong sứ mệnh chèo lái con tàu hoà bình Trung Đông.

Mặc dù sớm quyết tâm can dự giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine nhưng xem ra sứ mạng của ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton cũng không dễ dàng gì. Trước hết, bà sẽ phải làm việc với một chính phủ Israel sắp được thành lập được cho là có tư tưởng thiên hữu, nhất là chính phủ đó sẽ do một người có quan điểm cứng rắn như ông Benjamin Netanyahu lãnh đạo. Ai cũng biết ông Netanyahu là người phản đối giải pháp hai nhà nước, kiên quyết bác bỏ đưa ra thương lượng đàm phán các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột Israel – Palestine. Bà Clinton sẽ phải làm như thế nào để chuyển tải quyết tâm theo đuổi giải pháp 2 nhà nước của chính quyền Obama đối với chính quyền mới tại Israel.

Và còn phải kể đến nữa tình hình hiện nay tại các vùng lãnh thổ Palestine. Đó là một Gaza bị kiệt quệ do chính sách bao vây phong toả của Israel và bị tàn phá nặng nề sau cuộc tấn công quân sự 22 ngày đêm của quân đội Israel. Không thể nói tới một nền hoà bình nếu như gần 1 triệu trong số 1,5 triệu người dân Gaza sống hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Sẽ có vài tỷ USD được cam kết đổ vào Gaza để tái thiết lại vùng lãnh thổ này. Tất nhiên tiền thì không biết bao nhiêu cho đủ, nhưng dù sao đó cũng là tín hiệu tốt thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với cuộc sống khó khăn, túng thiếu của người dân nơi đây.

Mặc dù vậy, tình hình chung tại Palestine đã có những tín hiệu đáng mừng khi các phe phái của Palestine đặc biệt là hai đối thủ chính là phong trào Hamas và Fatah đã ngồi lại được với nhau và thống nhất hợp tác tiến tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trước đây, mâu thuẫn nội bộ Palestine cũng là một nhân tố gây khó khăn và nhiều khi bị Israel sử dụng là cái cớ để trì hoãn giải quyết cuộc xung đột giữa hai bên. Mặc dù vấn đề nội bộ của người Palestine không thể sớm giải quyết trong một sớm một chiều nhưng đó cũng thể hiện mong muốn của mỗi bên trong quyết tâm chung sớm mang lại hoà bình bền vững và lâu dài cho khu vực Trung Đông.

Tất nhiên, bao giờ cũng vậy, kể cả khi quyết tâm có thừa nhưng nếu không tìm ra cách giải quyết đúng đắn, phù hợp thì những vấn đề gai góc của Trung Đông với bao mâu thuẫn, hận thù chồng chất hơn 60 năm qua cũng  không thể giải quyết được. Con tàu hoà bình Trung Đông có thể được lăn bánh trở lại nhưng nó có chạy được về đúng đích hay không thì còn cần phải có một người lái tàu tài giỏi và công tâm.

Mỹ với vai trò là người bảo trợ cho tiến trình hoà bình Trung Đông liệu có thực hiện tốt sứ mạng của mình. Chuyến công du Trung Đông đầu tiên của Ngoại trưởng Clinton chỉ là sự khởi đầu. Cần rất nhiều sự nỗ lực không chỉ của Mỹ mà của tất cả các bên liên quan. Người dân Trung Đông đều mong muốn và hy vọng con tàu Trung Đông sẽ đi đúng hướng và sớm về đúng đích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.