Công chức Nga có thể bị cấm dùng Gmail, Facebook
(VOV) - Theo đề xuất, công chức Nga có thể bị coi là phản quốc nếu sử dụng các dịch vụ này.
Sau những tiết lộ mới nhất về vụ nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nghị sĩ Nga đã đề nghị với chính phủ cần sớm giới hạn công chức nước này truy cập vào các dịch vụ Internet phổ biến ở Mỹ và mạng xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters) |
Nghị sĩ Ilya Kostunov thuộc Hạ viện Nga đã gửi thư tới Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin (người giám sát ngành công nghiệp quốc phòng Nga), lãnh đạo Bộ Quốc phòng, An ninh liên bang, Bộ Truyền thông để kiến nghị chính thức về việc hạn chế sử dụng các dịch vụ internet nổi tiếng của Mỹ như Gmail và Facebook cùng với các thiết bị phần cứng do các công ty Mỹ sản xuất.
Trao đổi với tờ Izvestia, nghị sĩ Ilya Kostunov cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể khi ký hợp đồng lao động với các cán bộ công chức “để họ hiểu rằng khi họ sử dụng các dịch vụ Internet của Mỹ để gửi thông tin về bản thân cũng như tổ chức họ làm việc, họ vô tình đã giúp đỡ cho một quốc gia nước ngoài hay một tổ chức đang tham gia vào các hoạt động chống Nga. Nội dung này nằm trong Điều 275 Bộ Luật hình sự Nga là tội phản quốc", ông nói thêm. Người bị kết án theo Điều này đối mặt với 20 năm tù giam.
Nghị sĩ Kostunov cho biết, trong lá thư, ông đã cảnh báo các bộ trưởng cũng như các quan chức nhà nước về các vụ bê bối liên quan đến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và chương trình giám sát người dùng PRISM.
Tiết lộ được truyền thông đăng tải cho thấy các cơ quan đặc biệt của Mỹ có thể truy cập trực tiếp đến các máy chủ của các công ty như Microsoft, Apple, Yahoo, Google, Facebook, Skype, AOL và những công ty khác.
Ông Kostunov giải thích: "Chắc chắn, người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ quả quyết rằng họ đã thực hiện theo đúng pháp luật và bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ. Nhưng với các công dân nước ngoài chẳng hạn như công dân Nga được quan tâm, tình báo Mỹ cũng như các cơ quan tình báo khác từ các nước NATO sẽ không có giới hạn nào cả".
Theo nghị sĩ này, người nước ngoài không chỉ quan tâm đến thư điện tử mà còn sử dụng máy ghi âm và thu hình ảnh từ xa để tìm hiểu thêm về những thói quen, hành vi cũng như địa chỉ liên lạc của giới công chức.
Bên cạnh đó, việc bất cẩn khi xử lý thông tin mật bằng cách sử dụng dịch vụ Internet miễn phí và phổ biến hiện này có thể khiến thông tin bị rơi vào tay của các tin tặc độc lập, ông Kostunov cảnh báo.
Ông Kostunov đề nghị mã hóa bắt buộc đối với tất cả các thông tin được truyền qua internet.
Giới chuyên gia và những nhân vật nổi tiếng đều ủng hộ việc quy định thích hợp là cần thiết. Chủ tịch Đảng Pirate của Nga (một loại chính đảng được thành lập để chống lại việc ăn cắp sở hữu trí tuệ) nói rằng việc sử dụng tài khoản cá nhân trên các dịch vụ miễn phí cho việc trao đổi thư từ cấp Nhà nước là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
Việc xuất hiện trên Internet đã trở thành mốt của giới quan chức Nga, đặc biệt dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev, người tự giới thiệu mình như một người ủng hộ và quan tâm tới công nghệ cao cũng như các xu hướng kỹ thuật số mới nhất. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang nhạt dần. Ví như Phó Thủ tướng Nga Rogozin, người luôn hâm nóng truyền thông bằng các đoạn tweet của mình gần đây tuyên bố rằng ông sẽ không post các đoạn tweet mang tính riêng tư để phục vụ báo chí nữa.
Ngược lại, Thủ tướng Dmitry Medvedev, trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết tất cả các bài viết của mình và mọi hoạt động trên các mạng xã hội chỉ mang tính cá nhân. Tài khoản Facebook của Tổng thống Medvedev gần đây đã đạt một triệu lượt like./.