Cộng đồng người Do Thái tại Australia tiếp tục bị đe dọa
VOV.VN - Mâu thuẫn sắc tộc tại Australia đang gia tăng một cách đáng lo ngại khi sáng nay, cộng đồng người Do Thái tại thành phố Sydney tiếp tục bị đe dọa khi lại có thêm một xe ô tô bị đốt cháy và các hình vẽ với các từ ngữ tấn công người Do Thái tiếp tục xuất hiện tại khu vực có đông người Do Thái sinh sống.
Vào sáng sớm nay, cảnh sát thành phố Sydney (Australia) đã được báo cáo về một vụ đốt xe ô tô ở khu vực Woollahra, nơi có đông người Do Thái sinh sống. Không chỉ vậy, bên ngoài một số ngôi nhà trong khu vực này cũng xuất hiện các chữ viết dọa giết người Do Thái. Các vụ việc này diễn ra trong chưa đầy 1 tháng các hành động tượng tự nhằm vào người Do Thái cũng xuất hiện tại chính khu vực này và trước đó là một giáo đường của người Do Thái bị đốt cháy tại thành phố Melbourne vào hôm thứ 6 tuần trước.
Thủ hiến bang New South Wales Chris Minns khẳng định đây là các thành động phá hoại, bài Do Thái, tạo ra sự thù hận và đe dọa cộng đồng người Do Thái. Thủ hiến Chris Minns kêu gọi cộng đồng, các nhà chính trị cùng lên án các hành động này và khẳng định cơ quan chức năng của bang sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm điều tra và tìm ra thủ phạm gây ra các hành động đáng lo ngại này.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese gọi các hành động vừa xảy ra tại thành phố Sydney là hành động bài Do Thái và bày tỏ sự phẫn nộ trước các hành động này. Thủ tướng Albanese khẳng định “không có chỗ cho thù hận và chủ nghĩa bài Do Thái trong các cộng đồng” ở nước này. Thủ tướng Albanese cho hay, sáng nay ông sẽ gặp các quan chức của lực lượng đặc nhiệm quốc gia điều tra về các mối đe dọa bài Do Thái, bạo lực và hận thù để thảo luận về những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Các hành động bài Do Thái đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Australia trong thời gian gần đây khi căng thẳng gia tăng tại Trung Đông khiến cho cộng đồng người Hồi giáo tại nước này liên tục kêu gọi chính quyền gia tăng sức ép với Israel. Trong khi đó, chính quyền Australia cũng đang dần thay đổi quan điểm trong vấn đề Trung Đông khi lần đầu tiên ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền vĩnh viễn của người Palestine đối với tài nguyên thiên nhiên tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem. Nghị quyết này cũng kêu gọi Israel ngừng phá hủy cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn nước, nước thải và mạng lưới điện cũng như ngừng tịch thu nhà cửa và trang trại của người Palestine.