COP27 quyết đòi tiền bồi thường cho các nước nghèo
VOV.VN - Tại ngày họp thứ 3 của COP27, lãnh đạo nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển đã đồng loạt yêu cầu các nước giàu có “bồi thường” vì những tổn hại khí hậu. Đây là một chủ đề chính lần đầu được đưa vào chương trình nghị sự chính của COP27.
Tại Ai Cập hôm 8/11, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - COP27 đã đưa ra một kế hoạch toàn cầu nhằm giúp các nước nghèo chống chọi với những tác động của sự nóng lên toàn cầu, mang tên Chương trình Nghị sự Thích ứng Sharm-El-Sheikh.
Chương trình nghị sự Thích ứng Sharm-El-Sheikh, được đặt theo tên của khu nghỉ mát Ai Cập - nơi COP27 đang diễn ra, là Kế hoạch gồm 30 mục tiêu được đề ra, cần phải đạt được vào cuối thập kỷ, để nâng cao cuộc sống của 4 tỷ người dễ bị tổn thương.
Theo Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, các mục tiêu cấp bách trong Kế hoạch là thực hiện các phương thức nông nghiệp bền vững hơn, vừa giúp tăng sản lượng lương thực lên 17%, vừa giúp cắt giảm 21% lượng khí thải. Ngoài ra, các mục tiêu khác bao gồm việc bảo vệ 3 tỷ người khỏi các hiện tượng thời tiết thảm khốc bằng cách lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm; đầu tư 4 tỷ USD để phục hồi rừng ngập mặn, nhằm chống lũ; mở rộng các lựa chọn nấu ăn sạch cho 2,4 tỷ người để giảm ô nhiễm không khí trong nhà.
Kế hoạch đang tìm cách huy động tới 300 tỷ USD mỗi năm từ các nhà đầu tư tư nhân và nhà nước.
Cũng tại ngày họp thứ 3 của COP27, lãnh đạo nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển đã đồng loạt yêu cầu các nước giàu có “bồi thường” vì những tổn hại khí hậu. Đây là một chủ đề chính lần đầu được đưa vào chương trình nghị sự chính của COP27. Thủ tướng quốc đảo Antigua và Barbuda, Gaston Browne cho biết: “Ngành công nghiệp dầu khí tiếp tục thu được lợi nhuận. Trong 50 năm qua, lợi nhuận của họ đạt trung bình 1.000 tỷ USD mỗi năm và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022.
Đã đến lúc các công ty này phải trả thuế carbon toàn cầu đối với lợi nhuận của họ như một nguồn tài trợ cho tổn thất và thiệt hại. Các nhà sản xuất có lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch đã thu được lợi nhuận “chẳng là gì” so với cái giá của nền văn minh nhân loại. Trong khi họ đang thu lợi , hành tinh của chúng ta đang bốc cháy”.
Còn Thủ tướng Bahamas Philip Davis cho rằng: “Thực tế, chiến tranh, những sóng gió kinh tế, sự lao đao vì đại dịch hay sự cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới không thể được sử dụng như lời biện minh để hoãn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hãy trở lại thực tại. Mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn. Các tuyên bố về khí hậu không có cam kết ràng buộc hoặc cơ chế thực thi đang được sử dụng lặp đi lặp lại như một cách để trì hoãn những hành động thực tế.”
Nhu cầu thảo luận về vấn đề bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu đã được đặt ra từ các hội nghị COP đầu tiên, vào đầu thập niên 1990. Nhưng đến nay, các nước phát triển đã gây tổn thương nhiều nhất cho khí hậu hành tinh, nhiều lần ngăn cản nỗ lực đưa nó vào chương trình nghị sự của COP. Họ sợ rằng điều này sẽ mở ra các yêu cầu bồi thường hàng tỉ USD cho các nước nghèo. Tại COP27 năm nay, một thỏa thuận bồi thường đang được các nước nghèo, đang phát triển rất chú trọng, quan tâm.
Cũng trong phiên họp ngày hôm qua,Thủ tướng CH Séc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) Petr Fiala cho biết, EU quyết tâm theo đuổi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và ảnh hưởng đến kế hoạch giảm khí thải chung của khối. Tuy nhiên, sẽ biến thách thức thành cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt.
Đặc phái viên hàng đầu Trung Quốc về vấn đề khí hậu, ông Giải Chấn Hoa cùng ngày cũng khẳng định, nước này sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu, sau khi nước này và Mỹ bị nhiều nước hối thúc phải đẩy mạnh các nỗ lực liên quan đến vấn đề này./.