Covid-19: Indonesia giãn cách xã hội toàn đảo Java-Bali, Nhật Bản sắp ban bố khẩn cấp
VOV.VN - Các ca tử vong do Covid-19 tại Indonesia tăng đột biến, đặc biệt tại Java, hòn đảo đông dân nhất nước này và đảo du lịch Bali khiến Indonesia quyết định thực hiện giãn cách xã hội quy mô lớn. Chính phủ Nhật Bản cũng gấp rút chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại.
Trong cuộc họp báo ngày 6/1, Chủ tịch Ủy ban Xử lý Covid-19 và Phục hồi Kinh tế Quốc gia Indonesia, ông Airlangga Hartarto trong cuộc họp báo ngày hôm qua tuyên bố, hạn chế được áp dụng với tất cả các tỉnh ở đảo Java và Bali vì các tỉnh này đều có tỉ lệ tử vong, ca dương tính hoạt động, tỉ lệ phục hồi và tỉ lệ lấp đầy giường bệnh vượt quá giới hạn cho phép.
Ông Airlangga cho biết: “Xem xét sự phát triển của đại dịch trên thế giới, một số quốc gia đã thắt chặt xã hội với sự xuất hiện biến thể mới của virus corona, đồng thời cân bằng giữa lĩnh vực y tế và kinh tế, chính phủ nhận thấy một số điều cần phải làm để hạn chế các hoạt động cộng đồng để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tối đa các ca lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh việc chuẩn bị tiêm vaccine cho toàn dân vào tuần tới, chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện chính sách hạn chế các hoạt động cộng đồng tại các khu vực.”
Ông Airlangga cho biết, giới hạn xã hội quy mô lớn toàn đảo Java và Bali sẽ diễn ra từ ngày 11-25/1. Tổng thống sẽ đích danh chỉ đạo việc thực hiện giới hạn xã hội quy mô lớn, sau đó, chính quyền địa phương sẽ xác định khu vực áp dụng các biện pháp hạn chế. Theo quy định, trong thời gian giới hạn xã hội quy mô lớn, các hoạt động học tập diễn ra trực tuyến, văn phòng giới hạn công suất làm việc trực tiếp là 25%. Các trung tâm mua sắm phải đóng cửa lúc 19h. Trong khi đó, tất cả các hoạt động văn hóa xã hội ở Java và Bali tạm thời bị đình chỉ, các cơ sở công cộng đóng cửa và nơi thờ tự bị giới hạn sức chứa lên đến 50%. Một số ngành đặc biệt như y tế, xây dựng, hoạt động thiết yếu liên quan đến nhu cầu cơ bản của cộng đồng duy trì mức hoạt động 100% nhưng với quy trình y tế nghiêm ngặt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani cho rằng việc áp dụng giới hạn xã hội quy mô lớn trong tháng này chắc chắn sẽ gây áp lực lên nền kinh tế năm 2021, đặc biệt là về tiêu dùng hộ gia đình. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Chính phủ đã dự đoán điều này và nếu giới hạn xã hội không được thực hiện thì nền kinh tế quốc gia sẽ “trở nên tồi tệ hơn”. Chính phủ Indonesia đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 5%.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang gấp rút để ra Tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại do dịch Covid-19 đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận vào cuối giờ chiều 7/1.
Để chuẩn bị cho việc tuyên bố, sáng 7/1, các thành viên của Ủy ban cố vấn là các chuyên gia y tế đã cho ý kiến để thông qua nội dung liên quan đến các biện pháp khẩn cấp đã được Chính phủ biên soạn. Tiếp đó, ông Nishimura, Bộ trưởng Phụ trách ứng phó với dịch Covid-19 sẽ có báo cáo giải trình trước Ủy ban điều hành Quốc hội vào đầu giờ chiều nay. Sau đó, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo nội dung bản thảo Tuyên bố, từ ngày 8/1 đến 7/2, cư dân các địa phương trong đối tượng phải áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ được yêu cầu hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết sau 20h. Tất cả các cơ sở ăn uống có phục vụ rượu phải đóng cửa trước 20h và thực hiện từ ngày 12/1. Chính quyền địa phương được phép công bố những cửa hàng không tuân thủ qui định và bị phạt. Bên cạnh đó, đối với các sự kiện qui mô được qui định số lượng người tham gia chỉ tối đa là 5.000 người, hoặc bằng 50% sức chứa của cơ sở đó. Để giảm thiểu thiệt hại cho các cơ sở ăn uống như nhà hàng, quán bar, mỗi trường hợp sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền tối đa lên đến 60.000 yên/ ngày (tương đương 13 triệu VNĐ).
Việc tuyên bố Tình trạng khẩn cấp trở lại lần này đối với Tokyo và 3 tỉnh lân cận bởi số ca lây nhiễm mới liên tục ở mức cao, đẩy hệ thống y tế đứng trước tình trạng tê liệt. Trong ngày hôm qua (6/1) số ca nhiễm mới tiếp tục lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay khi cả nước có thêm hơn 6.000 ca trong đó thủ đô Tokyo có hơn 1.500 ca./.