Covid-19: Gần 5,3 triệu ca trên thế giới, Nam Mỹ thành tâm chấn mới
VOV.VN - WHO tuyên bố Nam Mỹ là tâm chấn mới của dịch Covid-19 giữa bối cảnh số ca mắc trên toàn cầu đã sắp cán mốc 5,3 triệu người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 khi dẫn đầu cả về số ca mắc và số ca tử vong. Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 22.691 ca mắc mới và 1.236 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, đã có hơn 1,5 triệu ca mắc Covid-19 và 97.590 ca tử vong ở quốc gia này.
Trong khi đó, hôm 22/5, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố Nam Mỹ trở thành "tâm chấn mới" của dịch Covid-19 sau khi số ca mắc tại khu vực này tăng đột biến.
"Nam Mỹ đã trở thành tâm chấn mới của dịch bệnh. Chúng ta đang chứng kiến nhiều quốc gia Nam Mỹ gia tăng số ca mắc Covid-19. Rõ ràng có một mối lo ngại ở những quốc gia này, nhưng nước bị ảnh hưởng nhiều nhất vào thời điểm này là Brazil", người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhận định.
Brazil ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục. Chỉ trong 24h, nước này đã phát hiện thêm 19.969 ca mắc mới và ghi nhận 966 trường hợp tử vong. Brazil cũng đã chính thức vượt Nga để trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Mặc dù số ca mắc và tỷ lệ tử vong không cao như Brazil song Peru đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 30/6. Quốc gia này hiện là ổ dịch lớn thứ 12 thế giới với 111.698 ca mắc Covid-19 và 3.244 ca tử vong.
Chile và Mexico cũng là những cái tên khác ở Nam Mỹ lần lượt thay thế các quốc gia khác trên bảng xếp hạng các nước có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên thế giới. Với số ca mắc lần lượt là 61.857 và 59.567, Chile và Peru đã vượt nhiều ổ dịch lớn ở châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển...
Tại ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, Nga tiếp tục ghi nhận một ngày nữa có số ca mắc dưới 9.000. Đến nay, quốc gia này có 326.448 ca mắc Covid-19 và 3.248 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 150 người chết vì Covid-19 trong 24h qua.
Hiện nay, hầu hết các nơi trên thế giới đều cho rằng điều tồi tệ nhất của dịch Covid-19 đã đi qua khi nhiều nước bắt đầu chấm dứt lệnh phong, tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vẫn còn nhiều điều đau đớn ở phía trước. Theo ông Putin, virus SARS-CoV-2 sẽ bắt đầu lan rộng trở lại từ tháng 10 - tháng 11 và Nga cần sẵn sàng cho làn sóng dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 trong năm nay. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm, việc dỡ bỏ các quy định hiện nay ở Nga phải đi cùng với sự hướng dẫn khoa học.
Dường như "cơn ác mộng" Covid-19 ở châu Âu đang dần trôi qua. Italy ghi nhận số ca tử vong mới do Covid-19 là 130, giảm so với con số 156 vào 1 ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới tăng nhẹ lên 652 so với con số 642 trước đó. Itay hiện là ổ dịch lớn thứ 6 thế giới với 228.658 ca mắc Covid-19 và 32.616 ca tử vong. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này đã xét nghiệm cho hơn 2,1 triệu người ngày 22/5 trong số 60 triệu dân.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 1.787 ca mắc mới và 688 ca tử vong trong 24h qua. Lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ ở thủ đô Madrid của nước này và thành phố Barcelona ngày 25/5, cho phép người dân tham gia các hoạt động ngoài trời và tập trung không quá 10 người để tránh dịch bệnh lây lan. Các quy định phong tỏa đã được dỡ bỏ với một nửa dân số Tây Ban Nha.
Tại ổ dịch lớn thứ 5 thế giới, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 3.287 ca mắc mới trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc lên 254.195 người với tổng số 36.3939 ca tử vong. Chính phủ Anh cho biết những người đến Anh từ nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày. Quy định này áp dụng với cả các công dân nước khác và người Anh trở về nước. Bất kỳ ai không tự cách ly đều sẽ phải chịu mức hình phạt lên tới 1.000 bảng (tương đương 1.220 USD).
Tại khu vực châu Á, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc về số ca mắc Covid-19 và trở thành ổ dịch lớn thứ 11 thế giới. Nước này vừa ghi nhận thêm 6.468 ca mắc mới trong 24h qua và 142 trường hợp tử vong. Như vậy, đến nay, Ấn Độ có 124,794 ca mắc Covid-19 và 3.726 người chết vì dịch bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng hơn 100.000 ca Covid-19 khắp châu Phi và virus SARS-CoV-2 đã lan tới từng quốc gia ở châu lục này. Đến nay, có khoảng 3.100 người chết ở châu Phi vì Covid-19.
Theo ông Ryan, tại châu Phi, có "rất nhiều các nhóm có nguy cơ tổn thương cao" và tác động của dịch Covid-19 tới những nhóm này vẫn chưa được xem xét tới.
"Chúng tôi chưa biết về tác động của dịch bệnh sẽ như thế nào với những trẻ em suy dinh dưỡng. Chúng tôi chưa biết về tác động của dịch bệnh sẽ như thế nào trong những khu trại tị nạn đông đúc. Có rất nhiều điều cần phải tìm hiểu", người đứng đầu chương trình khẩn cấp WHO khẳng định.
Đến nay, thế giới ghi nhận gần 5,3 triệu ca mắc Covid-19 và gần 340.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, trong đó có khoảng hơn 2,1 triệu ca đã phục hồi./.