Cực hữu Ukraine đòi lật đổ Tổng thống Poroshenko, gây chiến với Nga
VOV.VN -Hàng nghìn người Kiev ủng hộ phe Cực hữu ngày 22/7 biểu tình đòi Tổng thống Ukraine phải từ chức, đồng thời đẩy mạnh tấn công lực lượng miền Đông.
Vụ đọ súng trên phố ngày 11/7 giữa những thành viên phe Cực hữu (Right Sector) và cảnh sát thị trấn Mukacheve, Ukraine được cho là chất xúc tác thúc đẩy những bất ổn tiềm tàng ở khu vực miền Tây, cụ thể giữa những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan với Chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko.
Thành viên phe Cực hữu (Right Sector) ở Ukraine (ảnh: AFP) |
Theo Sputnik, căng thẳng càng lên cao sau khi Tổng thống Poroshenko ra lệnh cho các cơ quan an ninh và cảnh sát nước này phải tước vũ khí của các “nhóm bất hợp pháp”. Quyết định này được cho là nhằm vào nhóm cực hữu Right Sector, vốn đóng vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich vào năm 2014. Ông Poroshenko cho rằng không lực lượng chính trị nào được phép duy trì các nhóm vũ trang ở Ukraine và vận hành các “ổ nhóm tội phạm”.
Tuyên bố này thổi bùng nỗi tức giận của phe Cực hữu, khiến thủ lĩnh của tổ chức Dmitry Yarosh nói rằng, ông Poroshenko không còn phù hợp với vai trò là lãnh đạo đất nước.
Tại đại hội của phong trào này ở Kiev ngày 21/7, Thủ lĩnh cực hữu Dmitry Yarosh tuyên bố, phong trào này sẽ yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về bất tín nhiệm Quốc hội, Nội các và Tổng thống. Cực hữu cũng yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 2 vừa qua, hợp pháp hóa các tiểu đoàn tình nguyện, không tham gia các cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào tháng 10 tới.
Ông Yarosh cho biết, nếu tổ chức này không thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, họ sẽ tìm cách thành lập Ủy ban bầu cử trung ương (CEC) của riêng mình để tự tiến hành bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine.
Sputnik dẫn lời Giáo sư Alexander Domrin, Đại học Kinh tế Moscow rằng tình hình hiện nay đang bất lợi cho chính phủ Ukraine bởi các hoạt động của Right Sector hiện nay có thể dẫn đến một phong trào mới lật đổ chính phủ của ông Poroshenko.
Theo Giáo sư Domrin, một số người châu Âu có cái nhìn thực tế về những gì đang xảy ra ở Ukraine đã bày tỏ lo ngại rằng tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn, những tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ tạo ra một mối đe dọa thực sự đối với không chỉ người Nga ở miền đông Ukraine mà còn cả người Hungary ở miền Tây Ukraine.
Tuy nhiên, ông Domrin vẫn cho rằng chính phủ Poroshenko có thể sẽ vượt được qua cơn khủng hoảng hiện nay.
Cùng quan điểm với giáo sư Domrin, ông Balazs Jarabik, học giả của Tổ chức Carnegie Endowment of International Peace, cũng nhận định biểu tình Maidan mới sẽ khó có thể thành công bởi người dân Ukraine thực sự không mong muốn, cho dù họ cũng không hài lòng với chính phủ đương nhiệm.
Theo các chuyên gia, các thành viên Right Sector có vũ khí và đang thách thức chính quyền. Tuy nhiên, lực lượng chống đối chính phủ này cũng phóng đại quá mức khả năng thực sự của họ.
Tổ chức cực hữu chính là lực lượng đã tham gia vào các cuộc biểu tình bạo động trên quảng trường Maidan vào đầu năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống khi đó là Viktor Yanucovich. Khi xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra, các thành viên của nhóm cũng cùng quân đội chính phủ chống lại lực lượng đối lập.
Tuy nhiên, phong trào này thường xuyên có mâu thuẫn trong chính sách với chính phủ. Họ khẳng định đang cố gắng chống tham nhũng và bất công tại Ukraine, nhưng chính quyền Kiev lại cáo buộc nhóm này sử dụng bạo lực để thực hiện mục đích của mình./.