“Cuộc chạy đua” giành những liều vaccine Covid-19 đầu tiên
VOV.VN - Khi cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 đang dần tới hồi kết, thì một cuộc đua mới lại bắt đầu. Đó là cuộc đua để giành quyền tiếp cận những liều vaccine đầu tiên giữa các nước.
Một loạt các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Canada, Argentina… đã thông báo kế hoạch được nhận các lô vaccine đầu tiên.
Anh - quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt cho vaccine Covid-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất, hôm nay có kế hoạch bắt đầu phân phối và tiêm chủng cho công dân của mình. Trong đợt tiêm chủng đầu tiên, khoảng 50 bệnh viện lớn ở Anh sẽ nhận được tổng cộng 800.000 liều vaccine được sản xuất tại Bỉ, để tiêm cho những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế và người làm việc tại các trại dưỡng lão.
Bộ trưởng Y tế Anh kỳ vọng, ngày hôm nay sẽ là một khởi đầu cho sự kết thúc của đại dịch Covid-19: “Ngày 8/12, chúng tôi triển khai vaccine Covid-19 trên toàn Vương quốc Anh và đó là ngày bắt đầu cho sự kết thúc của đại dịch này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa ở điểm kết thúc đó. Điều quan trọng là mọi người cần phải tiếp tục thực hiện và tuân theo các biện pháp phòng bệnh. Thật may, giờ đây chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Trong khi Anh đã có 1 kế hoạch tiêm chủng đợt đầu tiên khá rõ ràng, thì tại Mỹ - quốc gia có công ty Pfizer phát triển vaccine, mới chỉ kế hoạch chuẩn bị cấp phép.
Dự kiến, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ có cuộc họp vào ngày 10/12 tới, nhằm xem xét đơn xin cấp phép khẩn cấp vaccine của công ty Pfizer và BioNTech. Cơ quan này cũng có kế hoạch họp vào ngày 17/12 để thảo luận về vaccine của công ty Moderna (Mỹ).
Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khá sốt ruột về việc cấp phép vaccine, khi mà tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang ngày một chuyển biến xấu. Giới chức Mỹ tiết lộ, có thể trong ngày hôm nay, ngay trong cuộc họp ở Nhà Trắng với nhóm “Chiến dịch thần tốc”, Tổng thống Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, nhằm đảm bảo tất cả người dân Mỹ được tiêm vaccine trước tiên, trước khi nó được phân phối ra quốc tế. Đây sẽ là một bước đi thể hiện rõ sự cạnh tranh trong cuộc đua có được vaccine trước tiên giữa các nước.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã công bố kế hoạch tiêm chủng của mình, bất chấp việc cấp phép chưa được tiến hành.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 7/12 cho biết, những liều vaccine đầu tiên sẽ tới nước này vào tháng 12 tới. “Canada đã đạt được thỏa thuận với Pfizer để bắt đầu cung cấp sớm các liều vaccine Covid-19. Cụ thể, Canada sẽ nhận được 249.000 liều vaccine của Pfizer/ BioNTech Covid-19 đầu tiên vào tháng 12. Lô hàng này sẽ được chuyển giao vào tuần tới.”
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cũng tuyên bố, lô vaccine ngừa Covid-19 nhập khẩu đầu tiên, với 125.000 liều, sẽ sớm được chuyển đến và người dân nước này sẽ được tiêm chủng miễn phí ngay khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cấp phép lưu hành vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp sản xuất.
Chính phủ Bồ Đào Nha thì khẳng định, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ dành cho khoảng 10% dân số nước này trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch, bắt đầu vào tháng 1/2021. Trong khi, tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez đã công bố kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho 300.000 người trước cuối năm 2020.
Thực tế, các quốc gia phát triển trên thế giới đã có những thỏa thuận mua bán vaccine Covid-19 trị giá hàng tỷ USD với các công ty dược phẩm đi đầu trong việc phát triển vaccine trước đó. Những kế hoạch tiếp cận được vaccine sớm cũng đã trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều quốc gia vẫn đang kêu gọi quyền tiếp cận vắc-xin một cách công bằng nhất và rằng việc tiếp cận vaccine của nhân loại không phụ thuộc vào nơi ở và quốc gia họ sinh sống.
“Khi các quốc gia có kế hoạch triển khai vắc xin trong những tuần và tháng tới, chúng tôi kêu gọi họ ưu tiên tiêm vaccine cho những người cần nhất”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết./.