Cuộc chiến chống “Brexit không thỏa thuận” chính thức bắt đầu
VOV.VN - Cuộc chiến chống Brexit không thỏa thuận đã chính thức bắt đầu khi lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn tập hợp được mặt trận chung trong cuộc chiến này.
Dù không thể theo đuổi đến cùng tham vọng ban đầu là bãi nhiệm và thay thế vị trí của Thủ tướng Boris Johnson, song lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã thuyết phục thành công không chỉ tân lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Jo Swinson, mà cả đảng Xanh, một số nhân vật bảo thủ hay đảng Dân tộc Scotland nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Thủ tướng Boris Johnson (trái) và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. Ảnh: Daily Express |
Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Jo Swinson cho biết: “Chúng tôi tập trung rất nhiều vào các lựa chọn lập pháp để mở rộng Điều 50 và tìm cách đạt được mục tiêu này. Sẽ có các cuộc họp tiếp theo trong 48 giờ tới, nơi chúng tôi có thể xem xét các chi tiết, kịch bản cụ thể khác nhau và xử lý chi tiết. Cách tiếp cận lập pháp này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, sẽ tập hợp được sự đồng thuận”.
Sau cuộc họp mang tính biểu tượng tại Church House - nơi từng được Nghị viện Anh sử dụng làm nơi hội họp thay thế cho Westminter trong Chiến tranh thế giới thứ 2, những nghị sĩ này đã ký vào một thông cáo chung thừa nhận sự khẩn cấp phải hành động cùng nhau. Mục tiêu là tránh cho Nghị viện phải ngừng hoạt động như cảnh báo của Thủ tướng Boris Johnson để có thể đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 tới bằng bất kỳ giá nào, thậm chí là không thỏa thuận.
Cuộc họp được xem là một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, các nghị sĩ Anh gần như chưa bao giờ có thể vượt qua những tham vọng đảng phái để đi tới sự đồng thuận.
Lãnh đạo đảng Dân tộc xứ Wales Liz Saville cho biết: “Cuộc họp diễn ra tích cực hơn dự đoán của tôi. Chúng tôi quyết tâm làm việc cùng nhau. Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Tất nhiên chúng tôi đều là các đảng chính trị khác nhau nên tất cả chúng tôi đều có những ưu tiên khác nhau trong các khía cạnh khác nhưng chúng tôi đang làm việc cùng nhau về vấn đề này”.
Tuy nhiên, khả năng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Thủ tướng Boris Johnson vào thời điểm hiện nay như mong muốn của lãnh đạo Công đảng đã bị bác bỏ. Đây sẽ chỉ được coi như giải pháp cuối cùng trong tháng 10 nếu lựa chọn pháp lý không thành công. Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn ý định của ông Jeremy Corbyn lợi dụng “cuộc đảo chính” này để vào ngôi nhà số 10 Phố Downing, các đảng đối lập tại Anh cũng đều có những toan tính riêng của mình.
Hơn nữa những phương tiện pháp lý mà các nghị sĩ có trong tay để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận là hạn chế. Trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể dễ dàng đưa nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận, bởi đây là kết quả của việc khởi động điều 50 Hiệp ước Lisbon đã được Nghị viện Anh thông qua năm 2017, thì đối với các nghị sĩ Anh làm điều ngược lại là khó khăn hơn.
Trong số các giải pháp đưa ra: các nghị sĩ có thể thúc đẩy một dự thảo luật để buộc chính phủ phải yêu cầu Brussels gia hạn điều 50. Tuy nhiên, ông Boris Johnson và các cố vấn của mình đã đi trước một bước khi hạn chế tối đa việc trình các dự thảo luật mới lên Nghị viện vào mùa thu này.
Có thể nói, chính trường nước Anh đang ngày càng rối ren, hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu ý dân về việc rời Liên minh châu Âu. Riêng đối với Thủ tướng Boris Johnson, sức ép đối với ông là rất lớn từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Tới nay, nhà lãnh đạo Anh vẫn kiên quyết với lập trường đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 tới dù có đạt thỏa thuận hay không./. "Nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận, đó hoàn toàn do lỗi của Anh"